Nghệ thuật xiếc Việt Nam: Bao giờ hết lỗi nhịp?

Lỗi nhịp, nghèo nàn
Nghệ thuật xiếc Việt Nam: Bao giờ hết lỗi nhịp?

Liên hoan Xiếc quốc tế lần thứ IV năm 2012 tại Hà Nội diễn ra từ ngày 15 đến 21-11 tại Rạp xiếc Trung ương có số đoàn và diễn viên các nước tham gia đông nhất từ trước đến nay. Tổng số nghệ sĩ diễn viên tham gia là 185 người đến từ 11 quốc gia và 5 đoàn trong nước hứa hẹn đem đến liên hoan nhiều tiết mục, thể loại xiếc phong phú. Đây là tín hiệu vui cho thấy sự tín nhiệm của thế giới đối với xiếc Việt Nam nhưng đó cũng là dịp để nhìn lại thực trạng khó khăn của ngành xiếc trong nước.

Xiếc thú nhỏ không còn đủ sức hấp dẫn khán giả Việt.

Xiếc thú nhỏ không còn đủ sức hấp dẫn khán giả Việt.

Lỗi nhịp, nghèo nàn

Trong khi nền nghệ thuật xiếc thế giới phát triển vượt bậc với công nghệ tiên tiến thì xiếc Việt Nam vẫn lặp đi lặp lại những tiết mục và thể loại đơn điệu, nhàm chán, thậm chí có những tiết mục chẳng thay đổi gì cả về hình thức và nội dung từ hàng chục năm qua. Ngay cả nhiều khán giả nhí dễ tính cũng quay lưng với xiếc Việt khi mà các tiết mục biểu diễn nhàng nhàng về kỹ thuật trên nền sân khấu sơ sài, ánh sáng đơn giản. Còn các nghệ sĩ cũng ít người giữ được lòng nhiệt huyết với xiếc khi quanh họ còn bao nỗi lo cơm áo gạo tiền.

Không giống như nhiều lĩnh vực đào tạo khác, việc tuyển sinh của ngành xiếc vô cùng khó khăn. TS Hoàng Minh Khánh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Việt Nam cho biết, thay vì ngồi đợi học sinh đến với mình, trường phải cử lực lượng đi tìm kiếm tài năng nhưng học viên vẫn chẳng có là bao. Nghệ sĩ xiếc vốn là những người làm được những điều mà người bình thường không thể làm.

Bên cạnh năng khiếu, họ phải luôn “khổ luyện” hàng ngày để tiết mục biểu diễn được nhuần nhuyễn và để tránh cả những tai nạn mà các nghệ sĩ luôn phải đối mặt. Vì thế, những người có tố chất sức khỏe và hình thể đẹp lý tưởng cho xiếc chẳng dại gì chọn con đường thành diễn viên xiếc. Sự lỗi nhịp của xiếc, sự nghèo nàn về chương trình, tiết mục và nhất là tuổi nghề ngắn ngủi của xiếc cũng như sự tập luyện đầy gian khổ, nguy hiểm… là những nguyên nhân khiến ngành xiếc thiếu hụt lực lượng diễn viên trẻ tài năng.

Không chỉ thế, với những tiết mục đã từng coi là thế mạnh của Việt Nam như xiếc thú dữ đã gần như không còn xuất hiện. TS Hoàng Minh Khánh, cho biết hiện tại ngành đào tạo xiếc thú dữ đã coi như bị xóa sổ bởi lẽ tại trường chỉ còn duy nhất một con gấu “chột”. Chú gấu đã già, phần lại chột mắt do tai nạn vì thế tính khí trở nên khó kiểm soát, chẳng còn mấy ai dám đưa vào giảng dạy cho học viên nữa. Khán giả giờ chỉ còn được xem các tiết mục thú nhỏ như khỉ, chó… Riêng liên đoàn xiếc thì may mắn hơn khi vẫn còn gấu và voi nhưng cả hai chú voi diễn đều đã già, chưa biết lấy đâu ra nguồn thay thế.

Làm gì để thoát khỏi tình trạng èo uột?

NSND Tâm Chính cho rằng ngành xiếc cần được Nhà nước quan tâm, đầu tư một cách toàn diện mới có được những bước phát triển bứt phá, đặc biệt là trong công tác đào tạo. Cùng với sự đào tạo đội ngũ diễn viên thì việc đào tạo đội ngũ các tác giả viết kịch bản, các đạo diễn nghệ thuật, đạo diễn âm thanh, ánh sáng và nhất là lực lượng phê bình lý luận riêng cho xiếc.

Ông Vũ Ngoạn Hợp, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, kiến nghị cần phải có chiến lược đào tạo đội ngũ diễn viên có trình độ để có thể xây dựng được những tiết mục xiếc đỉnh cao, ngang tầm thế giới. Ngoài việc nguồn diễn viên từ trường xiếc, theo ông có thể học tập kinh nghiệm từ các nước có trình độ xiếc phát triển, họ thường lấy nguồn diễn viên được đào tạo và có trình độ chuyên môn cao chính là các vận động viên TDTT như thể dục dụng cụ, thể dục nghệ thuật, lực sĩ cử tạ, vận động viên để trở thành một diễn viên giỏi của xiếc.

Nhưng làm thế nào để thu hút lực lượng nhân tài này lại phụ thuộc vào chính sách và cơ chế đãi ngộ của Nhà nước. Nếu trước đây, học sinh ngành xiếc có điều kiện học tập, làm việc với các chuyên gia xiếc quốc tế, nhiều nghệ sĩ còn có may mắn được cử đi học tập ở nước ngoài thì nay, cơ hội, cánh cửa để được tiếp xúc với nghệ thuật xiếc thế giới của các học sinh ngành học này gần như đã đóng chặt.

Chính vì thế, liên hoan xiếc lần này được kỳ vọng là sẽ đem đến cho ngành xiếc những luồng sinh khí mới khi dành tỷ lệ lớn các tiết mục mới của các nghệ sĩ trẻ, ông Vũ Ngoạn Hợp nói. Hy vọng, sự mạnh dạn trong những thử nghiệm mới này sẽ không chỉ đem lại thành công cho Liên hoan Xiếc quốc tế Hà Nội lần thứ IV mà còn là động lực để các nghệ sĩ xiếc Việt Nam tiếp tục hành trình trên con đường nghệ thuật đầy khó khăn này.

Mai An

Tin cùng chuyên mục