Món quà đầu năm của GS-TS Mai Quốc Liên

Món quà đầu năm của GS-TS Mai Quốc Liên

Mẹ khuyên: “Đi cho biết đó biết đây/ Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”(ca dao). Bạn bè nhắn nhủ: “Cứ đi cứ đi trời xanh hơn” (Phạm Tiến Duật). Và nhà thơ phát hiện: “Mặt trời đến mỗi ngày như khách lạ/Gặp mỗi mặt người đều muốn ghé môi hôn” (Chế Lan Viên)… Tôi vẫn đi và đến những vùng quê, gặp những con người mà thấy mà học được bao điều…

Báo chí (báo viết, báo nói, báo hình, báo mạng…) ngày nay nhiều tới mức chỉ nguyên tên báo, đọc cả ngày vẫn không xuể. Tác giả thơ thì thôi, nhiều tới mức không ai nhớ hết tên và dù có bài thơ hay, tứ thơ đẹp… cũng khó tìm kiếm. 

Trung tâm nghiên cứu quốc học và tạp chí Hồn Việt do GS-TS-nhà thơ Mai Quốc Liên chủ xướng, trong cơn bão kinh doanh bị đẩy vào tình trạng ngập lặn nhưng sức sống vẫn mãnh liệt. Đầu năm gặp gỡ GS-TS-nhà thơ Mai Quốc Liên, chúng tôi vui nói: “Xin cám ơn thầy (Mai Quốc Liên), cám ơn các bạn và cả cô văn thư xinh đẹp có giọng dịu nhẹ…”. Ông học trước chúng tôi và có tài. Bởi vì thời đó sinh viên được chọn về Viện Văn học là những người xuất sắc. Chúng tôi luôn gọi ông là thầy. Ông đọc bài của chúng tôi và góp ý. Những năm Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán lên Đại Từ Thái Nguyên, có lần chúng tôi háo hức chào đón đoàn các nhà văn, nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình của Viện Văn học Việt Nam, trong đó có Diệp Minh Tuyền, Mai Quốc Liên… lên thăm. Chúng tôi biết tên Mai Quốc Liên từ đó, năm 1966. Sau ngày 30-4-1975, cùng với những nhà thơ chiến trường về, ông mời chúng tôi đến dự “Đêm thơ giao lưu Đại học Sư phạm TPHCM”…

Vẫn cái dáng người đậm, mái tóc nhiều nhưng đã ít bồng, vẫn cái dáng trầm trầm nhìn xoáy sâu, GS-TS Mai Quốc Liên cắt ngang câu thăm hỏi có phần xã giao của chúng tôi để nói về tạp chí Hồn Việt: “Hồn Việt là phải có thơ chứ. Nhưng nhà thơ nào muốn đăng thơ, phải trả tiền”. Được biết ở một số nước, có báo, nhà thơ đăng thơ phải trả tiền. Chúng tôi nghĩ, đó là một ý kiến hay, nhất là trong tình hình ai cũng làm thơ và muốn đăng thơ trên báo. Thơ in sách, tác giả bỏ tiền túi để làm, hết tập này đến tập nọ, chẳng ai biết chẳng ai đọc (trong khi tiêu chuẩn để thành hội viên là phải có ít nhất 1 đầu sách !?). Đăng thơ phải trả tiền thì các đại gia lắm tiền nhiều quyền sẽ thành nhà thơ hết. Chúng tôi nghĩ, ý nghĩa lời nói của GS-TS nhà thơ Mai Quốc Liên cũng là những gợi mở sâu hơn, có thực tế và trách nhiệm của người cầm bút .

Căn phòng làm trụ sở của tòa soạn báo Hồn Việt và của Trung tâm nghiên cứu quốc học, khiêm tốn, có phần quá chật chội. Chúng tôi lướt nhìn sách trên kệ và buột miệng hỏi: “Tuyển tập thơ Đường có còn không?”. Giáo sư Mai Quốc Liên nói ngay: “Sách phải mua chớ đâu có chuyện biếu tặng”. Tôi hỏi như thế bởi vì trước khi in Tuyển tập thơ Đường, ông có hứa tặng. Bây giờ tôi hỏi mua, ông nói in ít, hết rồi. Và có lẽ do lòng yêu vốn cổ, yêu sách của tôi làm ông… xúc động chăng? Ông đứng dậy, tìm kiếm và lấy một tập sách dày, phủi bụi theo thói quen, ngồi xuống, mở sách và viết vào trang đầu cuốn sách “Tặng nhà thơ Vũ Ân Thy quý mến. Xuân Quý Tỵ 2013”. Thành thật lúc đó tôi rất ngạc nhiên, bối rối. Đối với GS Mai Quốc Liên tặng cuốn sách Đỗ Phủ Tinh tuyển là một hành cử chia sẻ, cảm hòa. Tôi hiểu, ông và thế hệ của ông, mong muốn gì ở chúng tôi. Ông nói nhẹ và nhỏ: “Không còn Tuyển tập Thơ Đường, nhưng hãy giữ lấy Đổ Phủ Tinh tuyển (Trung tâm nghiên cứu quốc học). Đây là tác giả lớn lắm, và các tác giả hàng đầu của thơ ca Việt Nam đều đọc và dịch”.

Vâng, thơ Đường vĩ đại, nhà thơ Đổ Phủ vĩ đại. Thơ Đường kể cả hình thức và nội dung hơn 1.300 năm qua vẫn là mẫu tượng và vẫn định hình nghệ thuật thơ, tới muôn sau…

Tôi đi về mà nhớ giây phút gặp gỡ đầu năm bổ ích. Một bài học lớn từ món quà nhỏ! Chợt nhớ cách nay vài năm, nhân chuyến vào thăm TPHCM, GS Nguyễn Tài Cẩn, nhà nghiên cứu hàng đầu về Nguyễn Du và Truyện Kiều, có buổi gặp mặt trí thức văn nghệ sĩ, GS Mai Quốc Liên nhắn tôi đến dự. Tôi lại nhớ, hồi mới tập làm thơ, nghe nói GS Trần Thanh Mại có khuyên những người làm thơ nên học thuộc chừng 1/3 Truyện Kiều!?

GS Mai Quốc Liên là nhà văn hóa Hán Nôm được đào tạo bài bản. Ông có trên 11 công trình lớn nghiên cứu, lý luận phê bình (đã in thành sách)… Ông là một trong số nhà văn hóa Việt Nam đến quê hương Đỗ Phủ và là người đã tổ chức hội thảo khoa học về thơ Đỗ Phủ tại thủ đô Hà Nội (2012)…

Nhà thơ Đỗ Phủ vĩ đại! Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại trong Di chúc của mình có dẫn thơ Đỗ Phủ. Những tâm hồn lớn gặp nhau.

*

Mùa xuân này, tôi để tập sách thơ Đỗ Phủ bên Truyện Kiều của Nguyễn Du trên bàn thờ mẹ. Mẹ tôi, một bà mẹ Việt Nam nghèo, bình thường, không biết ông Đỗ Phủ, không biết ông Nguyễn Du, nhưng thuộc lòng Truyện Kiều, ngày tết bói Kiều, hàng đêm ngâm Kiều… viết thư cho con, có những câu thương cảm: “Thân ơi thân hỡi là thân/Thương con không được một lần gọi cha” (mẹ tuổi Thân)… Và bà mẹ đã động viên tôi: “Con đi đánh giặc cho chăm/Nhớ là mẹ gửi lời thăm bạn bè”…

Nhà thơ Vũ Ân Thy

Tin cùng chuyên mục