Phạm Tường Hạnh với những trang văn thắm đẫm hồn thơ Nguyễn Bính

Phạm Tường Hạnh là nhà văn, suốt cuộc đời ngòi bút viết biết bao nhiêu trang văn đầy phong cách, đầy cá tính. Thời kỳ Nam bộ kháng chiến, văn anh có khi ghi chép từng sự kiện, từng mốc sự kiện. Văn anh có khi tường thuật ở từng trận đánh, ở từng sinh hoạt cơ quan. Anh còn viết ký, bút ký, ký sự, trong chất ký giàu chi tiết, thỉnh thoảng điểm xuyết bàn luận, chấm phá tùy bút để sao thiên nhiên có màu sắc, để sao cảm xúc đượm bâng khuâng tâm trạng. Anh còn viết truyện ngắn, ngắn nhưng rất đậm chất nhân vật, đậm kịch tính, sự việc.
Phạm Tường Hạnh với những trang văn thắm đẫm hồn thơ Nguyễn Bính

Phạm Tường Hạnh là nhà văn, suốt cuộc đời ngòi bút viết biết bao nhiêu trang văn đầy phong cách, đầy cá tính. Thời kỳ Nam bộ kháng chiến, văn anh có khi ghi chép từng sự kiện, từng mốc sự kiện. Văn anh có khi tường thuật ở từng trận đánh, ở từng sinh hoạt cơ quan. Anh còn viết ký, bút ký, ký sự, trong chất ký giàu chi tiết, thỉnh thoảng điểm xuyết bàn luận, chấm phá tùy bút để sao thiên nhiên có màu sắc, để sao cảm xúc đượm bâng khuâng tâm trạng. Anh còn viết truyện ngắn, ngắn nhưng rất đậm chất nhân vật, đậm kịch tính, sự việc.

Nhà văn Phạm Tường Hạnh trong lễ kỷ niệm 70 năm cầm bút.

Nhà văn Phạm Tường Hạnh trong lễ kỷ niệm 70 năm cầm bút.

Tập kết ra Bắc, thời kỳ anh công tác cơ quan thông tin, báo chí thời sự, tin tức. Đấy là thời kỳ điều kiện cho phép nhà văn làm kịch bản, làm phóng sự, đi sát nhiều nhà văn, nhà thơ tìm hiểu phong cách, cá tính một cách thấu đáo để anh nghiền ngẫm sâu hơn cho chất ký, chất truyện của anh có được đa dạng, đa âm.

Trong dòng chảy lớn và từng trải ngọt bùi, cay đắng với người, với đời, anh sửa soạn cho mình những tác phẩm dài hơi và chín đến da diết.

Bộ Giọt mật cho đời với hơn 3.000 trang, gần mấy trăm chân dung nhà văn, đời văn, bạn bè đồng chí, cán bộ đã từng gắn bó, lăn lộn, nằm gai nếm mật, vào sinh ra tử của 9 năm kháng chiến, của thời bình xây dựng sau giải phóng. Anh viết chân dung nhưng không phải thuần túy chân dung bởi nhà văn suy nghĩ, suy tư trong cảm xúc, vừa hồi ký vừa tạc hình trong kể chuyện sao cho chi tiết, sự việc lung linh hơn, tỏa sáng hơn. Đặc biệt viết lãnh tụ, lãnh đạo cao cấp, anh vẫn giữ ngòi bút chừng mực, trân trọng nhưng không mất đi nét giản dị và thân tình, đời thường nhưng cao quý. Viết về nhà văn, nghệ sĩ, người đọc cứ nghĩ không hiểu sao anh thấu biết đến từng ngọn ngành, đến từng cá tính, nếp ăn, nếp làm việc, kể cả hành trang góp phần làm nên câu văn, câu thơ, làm nên sắc sảo, dí dỏm, tài hoa. Nhất là viết về những nhà thơ, anh trang bị cho văn anh thấm đẫm hồn thơ, thấm đẫm rung động và cảm xúc. Vì vậy đọc văn anh, người đọc nghe rung rinh tinh tế và nhạy cảm khi chạm đến cái thế giới thơ của nhà thơ.  

Với nhà thơ Nguyễn Bính, người cùng sống một thời kháng chiến của Nam bộ, nhưng trước đó anh biết một Lỡ bước sang ngang, một huyền thoại Hai sắc hoa ti gôn, trong đó có cái duyên của nhà thơ và Bóng giai nhân nữa. Những ngày Sài Gòn sắp bước vào tổng khởi nghĩa, Phạm Tường Hạnh luôn theo dõi Nguyễn Bính đang tham gia các phong trào ở dưới tỉnh. Anh cùng anh em có khi viết thư, có khi nhắn gửi để tìm cách đưa nhà thơ ra chiến khu. Nhà văn như được theo dõi từng bước đi từ ngõ ngách thôn xóm đến chiến trường của nhà thơ. Đặc biệt tấm lòng đồng bào Nam bộ mến yêu với nhà thơ như một niềm trân trọng. Ai đã nghe thơ, đọc thơ Nguyễn Bính, có khi gặp nhà thơ trong chiến khu với đầu trần chân đất, có khi nằm nóp qua đêm, có khi gặp nhà thơ ngồi trước mặt đó, sảng khoái đọc thơ, làm thơ, kể chuyện vui và cười ha hả trong một cái chòi giữa đồng trống mênh mông mùa nước nổi thì không bao giờ quên. Người dân Nam bộ kháng chiến nhớ thơ Nguyễn Bính trong lời thơ mộc mạc, đậm tình. Mấy mươi năm sau ngồi bên ấm trà bốc khói còn nhắc bài trường ca Đồng Tháp Mười, trường ca Những dòng tâm huyết, trường ca Hương.

Nhà văn nhớ từng kỷ niệm, kỷ niệm nằm trong tâm khảm mỗi người cán bộ đã đi qua cuộc kháng chiến thần kỳ mà thơ Nguyễn Bính là lời hát, là trái tim đã chạm và rung lên thành giọng, thành tiếng. Một đêm đi công tác bằng xuồng chèo, anh Lê Duẩn nghe anh Trần Bạch Đằng đọc hết bài thơ Lỡ bước sang ngang. Từng chặp anh Lê Duẩn khen hay, thơ tha thiết ở từng đoạn. Nguyễn Bính viết xong kịch thơ Áo đêm trăng diễn thủ vai người tráng sĩ và nhà văn Đoàn Giỏi thủ vai thôn nữ. Buổi biểu diễn ngay giữa Đồng Tháp Mười, xuồng ghe dày kín dưới lòng kinh, có mặt đông đủ Bộ Tư lệnh khu Tám, các ban ngành, các cơ quan dân chính. Đồng bào xa bao nhiêu cây số cũng chèo xuồng ghe đến coi diễn kịch thơ, một loại hình nghệ thuật nhiều người chưa biết, nhưng cái chính để coi mặt nhà thơ…

Rất tha thiết yêu thương với mảnh đất Nam bộ kháng chiến khi nhà văn Phạm Tường Hạnh viết về nhà thơ Nguyễn Bính. Đó là sự kiện cuối năm 1953 cuộc kháng chiến đến hồi gian khổ, ác liệt, máy bay thực dân Pháp rải truyền đơn kêu gọi Nguyễn Bính trở về Sài Gòn sẽ được trọng dụng. Lúc ấy nhà thơ đang đi công tác. Nghe tin, Nguyễn Bính có thư gửi về cho cơ quan bằng một bài thơ để nói lên lòng tin của mình với Cha già Hồ Chủ tịch “Đố ai quét sạch lá rừng/Đố ai xúi giục con đừng theo Cha”. Và với má Nam bộ, lòng tin của nhà thơ thật son sắt như lòng tin ở 9 năm kháng chiến. Đó là nhà thơ bùi ngùi nhớ thương, giã từ vợ yếu con thơ, giã từ mảnh đất yêu thương trong lòng nhà thơ nhiều kỷ niệm khi bước chân xuống tàu đi tập kết. Những dòng văn như xoáy vào yêu thương, trong đó một hồn thơ vang vọng khi viết về Nguyễn Bính dụi mắt đỏ hoe, giơ hai ngón tay hẹn với các má, các chị… với Nam bộ ngày trở lại.

Những dòng cuối hồi ký chân dung, văn anh càng long lanh rướm lệ, hình ảnh nhà thơ Nguyễn Bính càng hiện lên càng được thắp sáng dưới những ngọn nến của một hồn thơ. Đó là những năm trên miền Bắc dù nhận nhiệm vụ mới, dù đã sang một trang đời nhưng nhà thơ không bao giờ mất đi hồn thơ về tình cảm các má, các chị, các em khắp thôn xóm, sông rạch cho tới ngày nhà thơ vĩnh biệt chúng ta đúng vào giao thừa năm Bính Ngọ (20-1-1966).

Nếu không có một tình thương, không có một hồn thơ, mà lại viết về nhà thơ thì khó mà gieo vào lòng người đọc một nỗi yêu, một nỗi thương tha thiết, khát khao. Nhà văn Phạm Tường Hạnh đã bằng những trang văn máu thịt và da diết hồn thơ ấy đã làm ánh lên tình người, tình đời; một tinh thần nhân văn sáng đẹp. Nhà thơ Ca Lê Hiến, nhà thơ Nguyễn Bính với ngòi bút của Phạm Tường Hạnh vẽ thêm sắc đậm một gam màu mới trên bức chân dung - chân dung của một thi sĩ cách mạng.

Trúc Chi

Tin cùng chuyên mục