“Cậu là… phi công chứ gì?”

Đã lâu lắm, có lẽ đã hơn 30 năm tôi mới lại được nghe tiếng nói thân thiết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người anh cả kính yêu của Quân đội Nhân dân Việt Nam...
“Cậu là… phi công chứ gì?”

Đã lâu lắm, có lẽ đã hơn 30 năm tôi mới lại được nghe tiếng nói thân thiết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người anh cả kính yêu của Quân đội Nhân dân Việt Nam...

1.Tôi còn nhớ như in cuối năm 1972, sau khi quân và dân ta đánh bại hoàn toàn chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ làm nên chiến công “Điện Biên Phủ trên không” chấn động địa cầu. Sau 12 ngày đêm chiến đấu ác liệt trên các mặt trận, Trung đoàn Sao Đỏ chúng tôi được thông báo Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ tới thăm và khen thưởng cho đơn vị cùng những cán bộ chiến sĩ, phi công đã đạt những thành tích trong phục vụ chiến đấu và chiến đấu. Tôi cũng vinh dự là một trong số đó.

Tác giả và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tác giả và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Không khí chuẩn bị để đón Đại tướng thật phấn khởi, hồ hởi. Hội trường Khu E, nơi đơn vị chúng tôi đóng quân lúc ấy thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội bây giờ, nằm gần một khu đồi rợp bóng cây xanh, có suối chảy róc rách. Hồ Đại Lải luôn có sương mù bao phủ. Phong cảnh thật đẹp và nên thơ. Con đường đất đỏ bazan dẫn vào hội trường ngày một đẹp, mịn màng hơn. Tiếng gà gô gáy càng làm cho không khí thêm náo nức. Thiếu tướng Nguyễn Hồng Nhị - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, người đã bắn rơi 8 máy bay Mỹ - lúc đó là Trung đoàn trưởng. Thường ngày anh rất ít nói nhưng trong những ngày chuẩn bị đón Đại tướng, anh có vẻ như nói nhiều hơn, vui hơn. Đồng chí Trần Ưng, Chính ủy Trung đoàn, thì luôn thúc giục: “Các cậu làm cẩn thận và phải thật đẹp đấy nhé...”.

Sau bao nhiêu ngày chúng tôi háo hức mong chờ, rồi đoàn của Đại tướng cũng đến. Tiếng quân nhạc cất lên, mọi người ai cũng cố kiễng chân thật cao để được nhìn thấy rõ gương mặt thân quen của Đại tướng. Không khí thật trang nghiêm nhưng vô cùng đầm ấm. Nghe đồng chí Chính ủy báo cáo về những chiến công xuất sắc mà trung đoàn vừa đạt được, đặc biệt là những phi công dũng cảm bắn rơi máy bay Mỹ trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, nét mặt Đại tướng lộ rõ niềm vui.

Đại tướng biểu dương thành tích của đơn vị và lần lượt gọi các phi công lên gặp. Đến lượt tôi lên. Sao mà run thế. Thường ngày tôi khá nhanh nhẹn nhưng khi được gặp Đại tướng tôi lại cứ luýnh quýnh. Tôi bị vấp hai lần, một lần vấp phải chiếc ghế, một lần thì va vào đồng chí Chủ nhiệm Chính trị. Đồng chí Chủ nhiệm Chính trị nhắc tôi: “Cậu cứ bình tĩnh, thong thả”. Cuối cùng tôi đã đứng trước mặt Đại tướng. Đại tướng mỉm cười, bắt tay tôi và nói: “Cậu giỏi lắm! Trong 12 ngày đêm mà bắn rơi 2 máy bay Mỹ, lại được kết nạp Đảng. Cố gắng tiếp tục rèn luyện về mọi mặt, nhất là bay cho thật giỏi để còn chuẩn bị giải phóng miền Nam, về quê hương nữa chứ”. Tôi lặng người vì cảm động, làm sao Đại tướng lại biết quê tôi ở miền Nam chứ? Tôi trả lời: “Dạ, rõ!”.

Đại tướng hỏi tiếp: “Cậu có gia đình chưa?”. Tôi trả lời: “Có ạ!”. Đại tướng cười và nói: “Không, gia đình nhỏ ấy”. Tôi đứng im và gãi đầu... Đại tướng lại cười và bảo: “Cậu này khôn thật! Thôi cho nghỉ phép về thăm người yêu!”. Tôi mừng quá và cùng cười với mọi người.

Hôm sau khi đoàn của Đại tướng trở về Hà Nội, đồng chí Sơn, Trợ lý Chính trị của Trung đoàn, đến phi đội gặp tôi và thông báo lên gặp lãnh đạo trung đoàn. Tôi vội báo cáo ngay tin này cho đồng chí Trung tướng Nguyễn Văn Cốc - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - lúc đó là Phi đội trưởng của tôi. Lúc đi cùng đồng chí Sơn, tôi không khỏi tò mò hỏi lý do về cuộc gặp. Đồng chí Sơn cười và trả lời: Cậu cứ lên gặp, khắc biết.

Tôi vừa mừng, vừa lo, gõ cửa phòng trực lãnh đạo. Vào trong phòng, tôi thấy đồng chí Trung đoàn trưởng và đồng chí Chính ủy Trung đoàn đang ngồi trao đổi công việc. Thấy tôi, cả hai cùng đứng lên bắt tay và mời tôi ngồi. Đồng chí Nhị còn lấy ngón tay thọc léc vào sườn tôi - một cử chỉ vui thân mật hiếm có ở vị lãnh đạo ít nói này. Tôi vui và thấy mạnh dạn hơn. Ngồi cạnh đồng chí Trung đoàn trưởng, đồng chí Chính ủy thông báo quyết định của trung đoàn cho tôi được nghỉ phép về thăm mẹ, các anh chị và cô bạn gái lúc đó đang ở Hà Nội...

2.Gần 31 năm sau. Một ngày thu năm 2003. Khi tôi đang công tác tại Ban Kinh tế Trung ương, phụ trách Văn phòng đại diện phía Nam, thì nghe tin Đại tướng vào công tác ở phía Nam và đang nghỉ ở Nhà khách T78. Tôi mừng quá vội chạy tìm tới phòng Đại tướng đang ở. Đến nhà 19 thì gặp đồng chí Nhượng, bác sĩ riêng của Đại tướng. Tôi vội hỏi: “Đại tướng có khỏe không? Bây giờ tôi muốn vào thăm Đại tướng một chút được không?”. Đồng chí Nhượng trả lời: “Đại tướng khỏe, để tôi vào báo cáo đã?”.

Chỉ 2 phút sau, đồng chí Nhượng đã vui vẻ ra thông báo tôi có thể vào gặp ngay Đại tướng. Tôi lại luýnh quýnh hệt như hơn 30 năm trước. Lúc vào phòng, thấy Đại tướng đang ngồi bên chiếc bàn nhỏ chờ tôi. Quên cả lễ nghi, tôi chạy ào tới ôm chầm lấy Đại tướng. Đại tướng cũng lộ rõ vẻ xúc động, nắm chặt lấy tay tôi. Quá xúc động, không biết phải nói gì trước, tôi hỏi Đại tướng: “Chú còn nhớ con không ạ?”.

Đại tướng nhìn tôi rồi chậm rãi: “Cậu… cậu… cậu là phi công chứ gì?”. Tôi lặng người, nước mắt tự nhiên trào ra. Không thể ngờ sau hơn 30 năm, Đại tướng vẫn nhớ tới người lính trẻ năm nào. Trong câu chuyện thân tình sau đó, Đại tướng hỏi tôi về công việc, gia đình hiện nay. Tôi vui mừng báo cáo với Đại tướng trong suốt những năm qua, tôi đã cố gắng rèn luyện mọi mặt như lời dặn của Đại tướng năm nào. Thời gian trôi đi nhanh quá, rồi cũng đến lúc tôi phải ra về để Đại tướng nghỉ. Tôi bịn rịn không muốn rời Đại tướng một chút nào. Lúc đó, đồng chí Nhượng đến bên tôi và nhắc: “Đến giờ Đại tướng uống thuốc rồi đấy”. Tôi đứng dậy chào Đại tướng ra về, trong lòng trào dâng bao cảm xúc.

Với tôi, đấy là những phút giây đáng nhớ và quý giá nhất trong cuộc đời!
——————
(*) Nguyên phi công chiến đấu MIG 21 Trung đoàn Sao Đỏ - 2 lần Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

DƯƠNG BÁ KHÁNG (*)

Tin cùng chuyên mục