Nhiều trong một, một vẫn cần nhiều!

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ diễn ra hôm 29-3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định “Chính phủ không chỉ đạo Bộ Công an làm hệ thống mã số (định danh công dân) riêng, Bộ Tư pháp làm riêng. Và các bộ cũng không làm thế”.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ diễn ra hôm 29-3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định “Chính phủ không chỉ đạo Bộ Công an làm hệ thống mã số (định danh công dân) riêng, Bộ Tư pháp làm riêng. Và các bộ cũng không làm thế”.

Theo ông Vũ Đức Đam, việc xây mã số định danh đã được Chính phủ nghiên cứu từ lâu với mục đích tiến tới quản lý toàn diện mỗi công dân, từ khi sinh ra với các thông tin cơ bản về sức khỏe, giới tính, nhóm máu đến quá trình trưởng thành, phát sinh các giao dịch dân sự… cho tới khi qua đời. “Đây là hệ thống dùng chung mà tất cả bộ, ngành phải cùng làm, cùng chia sẻ”, ông Đam nói với báo giới. Sở dĩ vị Bộ trưởng phải lên tiếng là vì xung quanh mã số “nhiều trong một” này gần đây có nhiều dư luận không thống nhất và không phải hoàn toàn không có cơ sở.

Trước đó, ngay tại một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Hộ tịch, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của việc cấp mã số do Bộ Tư pháp trình. “Tôi xin hỏi Bộ trưởng Tư pháp, cấp sổ Hộ tịch (với mã số đã được tích hợp tất cả trong một rồi), người dân ra đường có cần cầm theo các loại giấy tờ khác nữa không? Bên Công an cũng triển khai cấp CMND mới với mã số có 12 chữ số nữa, có chồng chéo không?”, Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề.

Giờ đây, với giải thích của Bộ trưởng Vũ Đức Đam, người dân có thể tạm yên tâm là mã số “nhiều trong một” này mỗi người chỉ có một. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều chuyện chưa được làm rõ. Bởi lẽ theo Bộ Công an, số CMND mới 12 số, với 22 trường dữ liệu của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng thời là mã công dân để ghi vào sổ sách các cơ quan, tra cứu cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc thu thập dữ liệu là yếu tố tiên quyết, từ đó làm cơ sở cho đầu ra (như chứng minh thư, thẻ công dân...). Vì thế, nếu thu thập được bộ dữ liệu chuẩn thì có thể tiến tới bỏ hộ khẩu.

Trong khi đó, chưa rõ dự án Luật Hộ tịch tới đây sẽ được bổ sung chỉnh lý ra sao, nhưng cứ như dự thảo đã trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thì không hề bỏ hộ khẩu (thậm chí còn có tham vọng “dùng hộ khẩu thay thế cho các loại giấy tờ khác”). Việc này được thể hiện trong “Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư” do Bộ Tư pháp xây dựng. Đề án này chính là lý do trực tiếp dẫn đến việc các bộ Công an và Tư pháp có những phát ngôn (hoàn toàn chính thức) khiến báo giới có tâm trạng… không biết nghe ai như vừa qua!

Theo kế hoạch, đến năm 2020, mọi người dân đều sẽ có số định danh. Nhưng từ đó cho đến lúc mã số “nhiều trong một” này thể hiện được giá trị đa năng của nó còn là một quãng đường rất dài. Nhưng quan trọng hơn, việc số hóa phải đi đôi với bảo mật và an toàn thông tin. Khi tất cả thông tin cá nhân được tích hợp trong một mã số mà mã số này lại bị khai thác bất hợp pháp thì chắc chắn “khổ chủ” sẽ khổ không để đâu cho hết! Mới chỉ “lộ” có số điện thoại thôi mà nhiều thuê bao đã khốn đốn vì nạn tin nhắn lừa đảo, “bom” quảng cáo, nhất là trang web sex, dịch vụ sex rồi!

Mong sao Chính phủ và các bộ ngành chức năng phối hợp giải quyết câu chuyện mã số định danh thật kín kẽ để vừa không lãng phí ngân sách; vừa tạo sự thuận tiện, đảm bảo được quyền lợi chính đáng cho người dân! 

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục