Nhà Vật lý đoạt giải Nobel từng kêu gọi bỏ cấm vận Việt Nam

Ở tuổi 92, sức khỏe của ông không được tốt lắm, ấy vậy mà ông vẫn ngồi máy bay nửa vòng trái đất từ Mỹ đến TPHCM, rồi từ TPHCM ra TP Quy Nhơn để cùng 4 nhà khoa học khác góp mặt tại “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 9 đang diễn ra tại đây. Thế giới biết đến ông qua giải thưởng Nobel Vật lý nhưng ít người biết được rằng 20 năm trước ông đã viết thư gửi Tổng thống Mỹ Bill Clinton kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm vận Việt Nam. ông là giáo sư (GS) người Mỹ gốc Do Thái Jack Steinberger.
Nhà Vật lý đoạt giải Nobel từng kêu gọi bỏ cấm vận Việt Nam

Ở tuổi 92, sức khỏe của ông không được tốt lắm, ấy vậy mà ông vẫn ngồi máy bay nửa vòng trái đất từ Mỹ đến TPHCM, rồi từ TPHCM ra TP Quy Nhơn để cùng 4 nhà khoa học khác góp mặt tại “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 9 đang diễn ra tại đây. Thế giới biết đến ông qua giải thưởng Nobel Vật lý nhưng ít người biết được rằng 20 năm trước ông đã viết thư gửi Tổng thống Mỹ Bill Clinton kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm vận Việt Nam. ông là giáo sư (GS) người Mỹ gốc Do Thái Jack Steinberger.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (bìa trái) và các nhà khoa học tại Gặp gỡ Việt Nam 9 đang diễn ra tại Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: HÀ MINH

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (bìa trái) và các nhà khoa học tại Gặp gỡ Việt Nam 9 đang diễn ra tại Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: HÀ MINH


GS Jack Steinberger sinh năm 1921 tại Bad Kissingen (Đức), được trao giải Nobel Vật lý năm 1988 với công trình “Phương pháp chùm neutrino và chứng minh về cấu trúc bộ đôi của các lepton thông qua phát minh neutrino muon” tại Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN).
Chúng tôi gặng hỏi GS Jack Steinberger về nguyên nhân sâu xa nào khiến ông ủng hộ nhân dân Việt Nam bằng việc viết thư gửi Tổng thống Mỹ Bill Clinton kêu gọi bỏ cấm vận Việt Nam, ông cứ xua tay bảo không còn nhớ gì nữa. Mãi đến khi có GS Trần Thanh Vân thuyết phục và gợi mở ra hoàn cảnh lúc đó, trí nhớ của ông dường như được “tua” lại: “Lúc đó, tôi đã là bạn của GS Vân hơn 20 năm rồi. Mặc dù được chính danh mời qua dự “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 1, nhưng phải mất rất nhiều thời gian với vô số thủ tục hành chính khắt khe, qua nhiều cửa kiểm soát chặt về thủ tục xuất cảnh, cuối cùng tháng 12-1993 tôi mới lên được máy bay đến Việt Nam” - GS Jack Steinberger chia sẻ.
“Sau khi về nước rồi, tôi mới có ý nghĩ thế giới này mọi người trên trên tất cả các nước phải được tự do đi lại; phải làm gì đó cho Việt Nam, đặc biệt là vợ chồng GS Trần Thanh Vân. Thế là ngay trong tháng 12-1993, viết thư gửi Tổng thống Bill Clinton yêu cầu bỏ cấm vận Việt Nam” - GS Jack Steinberger cho biết thêm. Khoảng hơn 1 tháng sau, GS Jack Steinberger nhận được thư phúc đáp của Văn phòng Tổng thống Mỹ là Tổng thống Bill Clinton đã nhận được thư của ông.

“Hai tháng sau, ngày 3-2-1994, ngài tổng thống quyết định chính thức bỏ cấm vận Việt Nam. Tôi cũng không biết bức thư đó có tác dụng gì không, vì tôi biết khi đó cũng có nhiều người Mỹ ủng hộ Việt Nam, nhưng tôi tự hào vì hành động đó” - GS Jack Steinberger hào hứng kể lại.
“Lần này, tôi quay lại đất nước Việt Nam vì 2 lý do. Trước hết là để ủng hộ vợ chồng GS Trần Thanh Vân đối với những gì họ đã và đang làm cho nền khoa học và giáo dục (KH-GD) Việt Nam. Thứ hai là tôi cảm thấy rất có lỗi vì những gì mà nước Mỹ của tôi đã gây ra cho người dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Tôi luôn mong muốn bản thân mình có thể làm một việc gì đó để xoa dịu phần nào những mất mát mà đất nước, nhân dân Việt Nam đã phải gánh chịu” - GS Jack Steinberger tâm sự.
GS Jack Steinberger và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Thị Thu Hà. Ảnh: HÀ MINH

GS Jack Steinberger và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Thị Thu Hà. Ảnh: HÀ MINH

Nói về cơ duyên đã đưa hai nhà khoa học đến với nhau, GS Trần Thanh Vân cho biết vào năm 1968 ông tình cờ gặp GS Jack Steinberger khi tham dự hội nghị khoa học tổ chức tại Pháp. Chính tình yêu và lòng say mê khoa học đã vun đắp tình cảm thân thiết giữa hai nhà khoa học để từ đó đến nay cả hai trở thành đôi bạn thân thiết, thường xuyên gặp nhau trong những lần dự hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế và những lần gặp gỡ tại Việt Nam.

“Tôi đánh giá cao các hoạt động của vợ chồng GS Trần Thanh Vân, nhất là trong việc thúc đẩy sự phát triển của KH-GD tại Việt Nam. KH-GD là một vấn đề quan trọng và Việt Nam có nhiều cách để phát triển các lĩnh vực này. Người Việt Nam có tố chất thông minh để có thể theo đuổi trong lĩnh vực KH-GD. Tôi hy vọng Trung tâm Khoa học - giáo dục liên ngành (ICISE) sẽ là cầu nối quan trọng để thúc đẩy các hoạt động về KH-GD của đất nước các bạn trong tương lai” - GS Jack Steinberger vui vẻ cho biết.

HÀ MINH

Tin cùng chuyên mục