Ông Chín Cần - Con người của những bước đột phá ở Long An

>> Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nguyễn Văn Chính từ trần

Tuần trước tôi mới thăm ông Nguyễn Văn Chính (tự Chín Cần) ở Bệnh viện Thống Nhất, sáng nay lại nghe tin ông vĩnh biệt chúng ta. Chắc là người dân Long An cũng như tôi rất bùi ngùi thương tiếc… 

Ông Chín Cần là tên gọi thân quen của người dân Long An từ thời kháng chiến đến thời hòa bình. Trong kháng chiến, đơn vị chúng tôi đã từng chiến đấu ở chiến trường Long An, đến hòa bình tôi lại có thời gian làm công tác tổng kết, biên soạn lịch sử của tỉnh này nên hôm nay tôi muốn viết bài này như sự tưởng nhớ ông và chia sẻ với bạn đọc những ký ức “đậm nét Chín Cần”.

Một lần ngồi tại nhà ông ở đường Điện Biên Phủ, khi trao đổi về lịch sử Long An, tôi đã đưa ra nhận xét: gần như những thời kỳ chuyển biến có tính đột phá ở Long An đều có dấu ấn của hai người lãnh đạo cao nhất là Chín Cần và ông Tư Thân (Thiếu tướng Huỳnh Công Thân) - hai ông như “một cặp bài trùng”.

Trong kháng chiến chống Mỹ, khi Long An là trọng điểm bình định của địch, đồn bót và ấp chiến lược phủ kín gần hết địa bàn. Thời kỳ vô cùng khó khăn ấy, ông Chín Cần là Bí thư, ông Tư Thân là Tỉnh đội trưởng. Ông Tư Thân từ lớp học chính trị trên “R” trở về đã đưa ra ý định đánh căn cứ biệt kích 500 quân của địch ở Hiệp Hòa (thuộc huyện Đức Hòa) bằng lực lượng của tỉnh. Ý định vô cùng táo bạo ấy gần như vượt ra ngoài suy nghĩ của các nhà quân sự lúc đó - chứ chưa nói đến các nhà chính trị. Vậy mà Bí thư Chín Cần hoàn toàn ủng hộ, động viên và cùng ông Tư Thân suốt đêm ở vị trí chỉ huy của trận đánh. Chiến thắng Hiệp Hòa với hơn 500 khẩu súng thu được đã mở ra “cao trào phá ấp chiến lược” và nhanh chóng phá tan toàn bộ hệ thống ấp chiến lược trên địa bàn tỉnh và Long An trở thành lá cờ đầu trong công cuộc chống phá bình định, góp phần to lớn đánh bại “chiến lược chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ở chiến trường Nam bộ.

Thời điểm tấn công Tết Mậu thân 1968, Long An là phân khu 23, Bí thư là ông Chín Cần, Tư lệnh là ông Tư Thân. Đêm 30 Tết mới nhận được lệnh phải tấn công vào Sài Gòn trong đêm mùng 1 Tết. Mệnh lệnh quá bất ngờ, các đơn vị bộ đội đang phân tán để củng cố, một số cán bộ được về nhà ăn tết, đường vào Sài Gòn thì xa và ít người dẫn đường… Ông Chín Cần kể lại: Lúc đó ông Tư Thân giơ hai tay lên trời kêu: “Trời ơi, làm sao điều quân kịp…”. Ông Chín Cần nói nửa đùa: “Trời xa lắm… mình phải cố làm thôi” và tất cả lao vào công việc. Cuối cùng lực lượng phân khu 23 vẫn vào được Sài Gòn trong cả hai đợt tấn công và làm nên những kỳ tích như trận đánh cầu Chữ Y, trận đánh trên đường băng Tân Sơn Nhất - mà người dũng sĩ của Long An đã tạo nên “dáng đứng Việt Nam, tạc vào thế kỷ”.

Trong kháng chiến chống Mỹ, danh hiệu “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” là xương máu của quân và dân Long An nhưng cũng mang đậm dấu ấn của hai người lãnh đạo và chỉ huy cao nhất là: Chín Cần và Tư Thân.

Trong thời bình, khi ông Chín Cần là Bí thư Tỉnh ủy Long An thì Thiếu tướng Tư Thân lên Quân khu. Nhưng rồi hai ông lại tìm cách để cùng về  Long An xây dựng quê hương. Thời đó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Tư Thân lao vào công cuộc khai phá Đồng Tháp Mười, đào kênh Đức Hòa, ngăn mặn Cần Đước… còn ông Chín Cần miệt mài tìm cách tháo gỡ khó khăn của khâu lưu thông phân phối. Ông Chín Cần kể lại: “Hồi đó Tổng Bí thư Trường Chinh xuống Long An tìm hiểu tình hình và ở lại khoảng hai tuần lễ, ban ngày tôi đi giải quyết công việc ở các cơ sở và nắm tình hình đời sống nhân dân, buổi tối về ngồi trao đổi với Tổng Bí thư về tình hình thực tế của tỉnh và nguyện vọng của người dân… Trên cơ sở đó, trình bày những ý kiến và dẫn chứng bằng thực tế để thuyết phục Tổng Bí thư cho Long An làm thí điểm “bù giá vào lương”, tháo gỡ dần cơ chế bao cấp và ngăn sông cấm chợ”.
Với những thành công thuyết phục về cải tiến phân phối lưu thông và những kết quả tăng sản lượng lúa, hoa màu của chương trình khai phá Đồng Tháp Mười, Long An được coi là địa phương đi đầu và góp phần lớn vào việc tạo ra tiền đề về lý luận và thực tiễn để hình thành đường lối đổi mới mà đại hội Đảng lần thứ VI - năm 1986 đã đề ra.
Đó là ông Chín Cần của chính trị, của lãnh đạo. Ở khu nhà khách của Tỉnh ủy Long An bên bờ sông Vàm Cỏ, mỗi buổi chiều khi hết giờ làm việc, người ta thường thấy một người quấn chiếc xà rông đi dạo và nói chuyện với mọi người - đó là ông Chín Cần của đời thường. Ông Chín Cần còn là người “đậm đà bản sắc Long An”, tôi còn nhớ lúc ông ở Hà Nội, biết tôi từ TPHCM ra công tác, ông hẹn hôm nào đến ăn mắm Long An trước khi về… Khi thăm ông trong dịp tết ở TPHCM, ông không quên cho tôi một bịch gạo Long An…

***
Như vậy những điểm đột phá mạnh nhất ở Long An trong chiến tranh và hòa bình đều ứng với thời kỳ lãnh đạo cao nhất là ông Chín Cần và Tư Thân - nhưng đó không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên về thời gian mà là hình mẫu của tinh thần đoàn kết vì sự nghiệp cách mạng. Thời chiến tranh, người ta ví ông Tư Thân như là “Tướng Sapaep của Việt Nam” - nhưng phải có Chính ủy Chín Cần thì hai người mới làm nên việc lớn và điều đó được lặp lại ở thời bình. Trong tình đồng chí của hai ông có tình làng nghĩa xóm sâu đậm của người Nam bộ nên họ đã kết tình sui gia với nhau.

Ông Chín Cần đã đi gặp Bác Hồ. Ông để lại niềm tiếc thương cho gia đình, cho những người đồng chí, đồng đội và những người dân Long An đã trải qua thời chinh chiến gian lao và thời hòa bình sôi nổi.

Ngày 30-10-2016.


TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục