Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn: “Đã khóa gần 20 triệu SIM rác”

Trước khi đăng đàn trực tiếp trả lời chất vấn của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã có văn bản trả lời chất vấn gửi trước của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về công tác quản lý an toàn thông tin mạng; việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử gây hoang mang trong dư luận, thiệt hại về kinh tế, tổn hại danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức khác. Việc kiểm duyệt chương trình, nội dung quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng nằm trong số các vấn đề mà Bộ trưởng Tuấn sẽ giải trình.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn

Ông Trương Minh Tuấn cho biết, Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia có nguy cơ về mất an toàn thông tin cao trong các bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế. Trong đó, các cuộc tấn công mạng thời gian gần đây vẫn tiếp tục tăng về quy mô và số lượng, nhất là các cuộc tấn công mạng có chủ đích dẫn đến lộ, lọt thông tin, mà điển hình là vụ tấn công mạng vào Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vào cuối tháng 7-2016.

Tình hình lây nhiễm phần mềm độc hại, nhất là các phần mềm độc hại mã hóa dữ liệu để tống tiền cũng tăng cao, đặc biệt, hình thức lây nhiễm các loại phần mềm này cũng được mở rộng, thậm chí có thể lây lan qua các mạng xã hội. Tình trạng lừa đảo trực tuyến, nhất là lừa đảo trên mạng xã hội và qua tin nhắn vẫn còn phổ biến và nhiều người sử dụng vẫn dễ dàng mắc lừa dẫn đến bị thiệt hại về kinh tế.

Cụ thể, trong năm 2016 đã ghi nhận tổng cộng 144.375 sự cố tấn công mạng của cả ba loại hình phishing, malware và deface. Quý 1-2017 ghi nhận 3.692 sự cố tấn công mạng.

Trong năm 2016, thông qua đầu số 456, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) ghi nhận được 591.427 lượt phản ánh tin nhắn rác, giảm 18% số lượng ghi nhận được so với cùng kỳ năm 2015.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã khóa gần 20 triệu SIM rác. Ảnh minh họa

Lượng phản ánh tin nhắn rác cho dịch vụ nội dung chiếm khoảng 35%; dịch vụ bất động sản chiếm khoảng 20,6%; dịch vụ quảng cáo SIM số đẹp chiếm khoảng 13,1% và các loại khác. Tính đến ngày 30-3-2017, Bộ Thông tin và Truyền thông đã khóa 19.458.093 SIM kích hoạt sẵn của các nhà mạng, góp phần giảm đáng kể lượng tín nhắn rác, thư rác.

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, các chỉ số đánh giá về an toàn thông tin qua mỗi năm đều có những chuyển biến theo hướng tích cực, chỉ số an toàn thông tin Việt Nam năm 2016 là 59,9% so với 46,4% năm 2015 và 39% năm 2014.

Mặc dù vậy, công tác bảo đảm an toàn thông tin vẫn còn bị động, nhất là công tác bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống thông tin quan trọng quốc gia còn chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở Việt Nam đang buông lỏng, hầu như không áp dụng các biện pháp tối thiểu để bảo đảm an toàn thông tin và chưa có quy trình thao tác chuẩn để ứng phó khi sự cố xảy ra.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung: “Còn khoảng 28.500 trường hợp tự kê khai là người có công chưa được hưởng chính sách”

Người đứng đầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được yêu cầu chuẩn bị báo cáo về nhóm vấn đề: “Giải pháp để đẩy nhanh việc rà soát, giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công, đặc biệt là những hồ sơ còn tồn đọng, vướng mắc. Thực trạng công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề; vấn đề chuyển đổi, quản lý các trung tâm cai nghiện trong cả nước; việc giải quyết việc làm cho thanh niên, nhất là thanh niên ở vùng nông thôn, bộ đội, công an xuất ngũ”.

Báo cáo cho biết, hiện nay, toàn quốc đã xác nhận khoảng 9 triệu người có công, trong đó có trên 1,4 triệu người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Năm 2014, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Kết quả tổng rà soát cho thấy, trong số hơn 2 triệu đối tượng được rà soát thì số đã hưởng đầy đủ chế độ chiếm 95,75%; số kê khai hưởng chưa đầy đủ chiếm 4,16% và số phát hiện hưởng sai chính sách gần 1.900 trường hợp (chiếm 0,09%).

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Kết quả tổng rà soát cũng cho thấy, hiện vẫn còn khoảng 28.500 trường hợp tự kê khai là người có công chưa được hưởng chính sách. “Khó khăn lớn nhất hiện nay là đối tượng lập hồ sơ kê khai là người có công nhưng không có giấy tờ, căn cứ chứng minh, đặc biệt là hồ sơ liệt sĩ, thương binh, người bị địch bắt tù, đày. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xác định công tác giải quyết tồn đọng là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, cần ưu tiên tập trung thực hiện với quan điểm là khẩn trương thực hiện nhưng phải đảm bảo chặt chẽ ở mức độ nhất định, cơ chế phải mở, phải thông thoáng. “Nhưng xác định mở đến mức nào, thông thoáng đến mức nào để đảm bảo xác nhận đúng đối tượng, hạn chế được hồ sơ giả là nhiệm vụ hết sức khó khăn của cơ quan ban hành và tổ chức thực hiện chính sách”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giãi bày.

Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, công tác thanh, kiểm tra của Bộ này cũng không ngừng được đẩy mạnh. Tính từ năm 2012 đến hết năm 2016, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành thanh tra tại 29 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và phối hợp với Bộ Quốc phòng tiến hành thanh tra việc xác lập, xét duyệt hồ sơ thương binh tại 5 Quân khu (Quân khu 2, 3, 4, 5, 7). Qua kiểm tra hơn 60 nghìn hồ sơ tại các đơn vị, địa phương nêu trên, phát hiện hơn 12 nghìn hồ sơ sai sót hoặc nghi vấn sai sót, trong đó có hơn 1,8 nghìn hồ sơ không đảm bảo pháp lý, không đủ điều kiện hưởng chế độ ưu đãi, đã kiến nghị các cơ quan có liên quan ban hành quyết định đình chỉ chế độ ưu đãi, buộc hoàn trả ngân sách Nhà nước số tiền đã hưởng sai quy định trên 130 tỷ đồng, giảm chi ngân sách Nhà nước hàng năm trên 37 tỷ đồng; chi sai nội dung, chi trùng lĩnh, trùng cấp kinh phí người có công, đã kiến nghị xuất toán, thu hồi nộp ngân sách Nhà nước số tiền trên 13 tỷ đồng. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã chỉ đạo kiên quyết chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan điều tra khởi tố để xử lý theo pháp luật đối với các sai phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm.

Một vấn đề bức xúc khác cũng đã được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung báo cáo chi tiết là về tình hình người nghiện ma túy và kết quả cai nghiện ma túy.

Hiện cả nước có 210.751 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 10.617 người so với cùng kỳ năm 2015 (200.134 người); ngoài nghiện heroin, số người sử dụng ma túy tổng hợp dạng Amphetamine (ATS), cỏ mỹ “XLR-11” tăng nhanh, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố phía Nam như: TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... Người sử dụng ma túy tổng hợp có rối loạn tâm thần và một số có hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.

Trong công tác cai nghiện, thời gian gần đây tại các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh đã để xảy ra sự việc học viên gây rối tập thể, đập phá cơ sở, bỏ ra ngoài với số lượng lớn, gây tình trạng mất an ninh, trật tự trong khu vực địa phương. Nguyên nhân chủ yếu là do việc lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của một số địa phương chưa đúng quy định của pháp luật; cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp quá tải; điều kiện ăn ở không đảm bảo; cán bộ làm công tác tư vấn trị liệu, quản lý, tư vấn tâm lý và kỹ năng còn yếu, chưa được tập huấn bài bản, thiếu kinh nghiệm nắm bắt sớm các hiện tượng bất thường; thiếu thông tin nên không phân loại được học viên, để học viên có tiền án, tiền sự, học viên bất hảo ở chung với các học viên khác, đã kích động, lôi kéo các học viên đập phá cơ sở để trốn. Mặt khác, phần lớn người nghiện ma túy vào cai nghiện là nghiện ma túy dạng tổng hợp, thường bị rối loạn tâm thần và gần 40% học viên có tiền án, tiền sự nên luôn kích động, chống đối cán bộ...

Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1995/CĐ-TTg ngày 07-11-2016 về tăng cường công tác quản lý, cai nghiện ma túy trong các cơ sở cai nghiện ma túy; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Công điện số 03/CĐ-LĐTBXH ngày 09-11-2016 về tăng cường công tác quản lý học viên trong các cơ sở cai nghiện ma túy. Đến nay, tình hình hoạt động tại các cơ sở cai nghiện đã cơ bản ổn định.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục