Ứng phó đại dịch cúm A/H1N1: Không được để lọt lưới

Tăng cường nhân lực, dụng cụ vệ sinh
Ứng phó đại dịch cúm A/H1N1: Không được để lọt lưới

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H1N1 khi đã có 21 nước công bố xuất hiện người mắc, ngày 6-5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã họp khẩn cấp cùng lãnh đạo các địa phương có cửa khẩu biên giới khu vực phía Nam để bàn phương án đối phó. Với sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TPHCM) có 50-60 chuyến bay quốc tế/ngày và cả chục cửa khẩu đường bộ khác ở các tỉnh Đông và Tây Nam bộ, nguy cơ cúm A/H1N1 lây lan là rất cao.

Tăng cường nhân lực, dụng cụ vệ sinh

Sáng 6-5, Bộ trưởng Bộ Y tế đã làm việc với Trung tâm Kiểm dịch y tế TPHCM và Cảng vụ hàng không miền Nam cũng như các đơn vị liên quan về công tác giám sát dịch tễ cúm A/H1N1 tại cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất.

Ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế cho biết từ ngày 26-4 đến 5-5, đã có gần 70.000 hành khách quốc tế đến TPHCM, trong đó có 7.736 người đến từ vùng dịch cúm A/H1N1. Tuy nhiên, đến sáng 6-5 vẫn chưa có trường hợp nào qua kiểm dịch bị dương tính với virus cúm A/H1N1.

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu lưu ý phải phân phát nước sát trùng, xà phòng rửa tay tại các nơi công cộng, nhất là trên máy bay, trong các nhà vệ sinh để cho hành khách vệ sinh. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị giám sát dịch tễ cúm A/H1N1 tại cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất. Cùng với đó là tăng cường nhân lực túc trực phòng dịch bởi theo đánh giá của Bộ trưởng là dịch cúm A/H1N1 còn kéo dài, không thể chủ quan lơ là.

Riêng các phiếu khai báo sức khỏe và tờ rơi hướng dẫn phòng cúm A/H1N1 phải phân phát ngay cho 26 hãng hàng không quốc tế để hành khách kịp thời khai báo, giúp công tác giám sát tốt hơn.

Cửa khẩu nào để “lọt lưới”: kiểm điểm

Chiều cùng ngày, UBND TPHCM đã tổ chức cuộc họp khẩn cùng lãnh đạo chính quyền và ngành y tế 6 tỉnh, thành phía Nam về công tác phòng chống dịch cúm A/H1N1 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu. Đó là các tỉnh có cửa khẩu biên giới gồm Tây Ninh, Long An, An Giang, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp.

Theo ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Y tế Tây Ninh, với 2 cửa khẩu quốc tế là Mộc Bài và Xa Mát, trung bình mỗi ngày có hơn 1.000 người khách quốc tế qua lại nên kiểm soát dịch tễ không xuể. Còn ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nói công tác giám sát phòng chống dịch cúm A/H1N1 đã được triển khai nhưng hiện cả 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu quốc gia là Tịnh Biên, An Phú, Tân Châu vẫn chưa có khu cách ly đạt yêu cầu, trang thiết bị lấy bệnh phẩm, khẩu trang, thuốc Tamiflu… thì thiếu.

Các tỉnh còn lại cũng đang gặp khó khăn về phương tiện, thiết bị cho công tác phòng chống dịch cúm A/H1N1. Ngay như tỉnh Đồng Tháp có 2 cửa khẩu quốc tế nhưng chưa trang bị được một máy đo thân nhiệt nào.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài cho rằng, giữa TPHCM và các tỉnh cần thiết lập đường dây nóng chia sẻ thông tin. Chẳng hạn Tây Ninh ghi nhận một đoàn khách quốc tế đang trên đường về TPHCM thì cần báo ngay cho ngành y tế TPHCM để có biện pháp giám sát và ngược lại.

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu nói ngay, nếu thiếu trang thiết bị, chính quyền tỉnh nhanh chóng đề xuất lấy quỹ dự phòng ra mua sắm để phục vụ giám sát dịch, đặc biệt chú trọng trang bị cho các cửa khẩu.

Theo Bộ trưởng, quan trọng nhất là phải ngăn chặn dịch từ cửa khẩu, không để virus cúm A/H1N1 “lọt lưới”. Nếu cửa khẩu nào để lọt lưới sẽ đề nghị kiểm điểm.

Tường Lâm

6 người Việt Nam nghi nhiễm cúm A/H1N1 bị cách ly ở Hồng Công

Chiều 6-5, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm ở người đã có buổi họp với các bộ, ngành liên quan. TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường, cho biết, số người nhập cảnh vào Việt Nam qua các cửa khẩu bị phát hiện có thân nhiệt cao tiếp tục tăng.

Trong ngày, lực lượng kiểm dịch y tế quốc tế tại sân bay Nội Bài đã chuyển tới Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, một trường hợp từ Czech về Việt Nam bị sốt cao, trước đó có quá cảnh qua Đức. Hiện trường hợp đang được điều trị cách ly và tiến hành làm các xét nghiệm để phát hiện virus H1N1.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Bản, Giám đốc Bệnh viện Việt – Pháp, cho biết, bệnh viện cũng vừa tiếp nhận 2 ca nghi ngờ. Trường hợp thứ nhất là một người đàn ông người Pháp đi từ Hồng Công (Trung Quốc) vào Việt Nam. Ngay lập tức bệnh nhân này được cách ly. Các xét nghiệm đã khẳng định bệnh nhân âm tính với cúm A/H1N1. Trường hợp thứ hai là hai vợ chồng đi từ Mỹ về. Cả hai có biểu hiện sốt và được đưa vào BV Việt – Pháp theo dõi.

Đặc biệt, theo thông báo của đại diện Bộ Ngoại giao đã có 6 người Việt Nam phải cách ly tại Hồng Công (Trung Quốc). Những người này ở tại một khách sạn ở Hồng Công (Trung Quốc) có bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 nên đã phải cách ly. Đến ngày 6-5, đã có một người trở về Việt Nam, được kiểm tra không nhiễm H1N1. 

Kh.Nguyễn

Tin cùng chuyên mục