Chặn Mers-CoV ngay từ cửa khẩu

Chặn Mers-CoV ngay từ cửa khẩu

Ngày 3-6, trước diễn biến của hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông (Mers-CoV) đang lây lan rất nhanh ở Hàn Quốc và có nguy cơ xâm nhập vào nước ta, các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam đã bắt đầu thực hiện việc khai báo y tế đối với hành khách từ Hàn Quốc đến Việt Nam.
 
Siết chặt kiểm tra sức khỏe khách nhập cảnh

Chặn Mers-CoV ngay từ cửa khẩu ảnh 1

Sử dụng máy đo thân nhiệt để kiểm tra khách nhập cảnh từ vùng có dịch tại sân bay Nội Bài

Tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài mỗi ngày có khoảng 10 chuyến bay từ Hàn Quốc tới Việt Nam với gần 3.000 hành khách nhập cảnh. Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tại sân bay quốc tế Nội Bài đã có kế hoạch phòng chống dịch bệnh Mers-CoV theo 3 tình huống: tình huống 1, khi chưa có hành khách nào có biểu hiện hội chứng viêm đường hô hấp cấp trên các chuyến bay quốc tế đến, nhưng dịch bệnh có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam; tình huống 2, phát hiện hành khách nghi ngờ nhiễm Mers-CoV trên máy bay; tình huống 3, khi dịch bệnh này đã lây lan trong cộng đồng. 

Hiện nay, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tại sân bay quốc tế Nội Bài vẫn đang triển khai kế hoạch phòng chống Mers-CoV theo tình huống 1. Ngoài việc bắt buộc thêm khách nhập cảnh từ Hàn Quốc phải khai báo y tế, trung tâm cũng tổ chức dùng máy đo thân nhiệt để kiểm tra thân nhiệt của các hành khách nhập cảnh từ vùng dịch nhằm phát hiện sớm hành khách có dấu hiệu viêm đường hô hấp cấp hoặc bị sốt, đặc biệt là những hành khách đến từ vùng đang có dịch. Nếu phát hiện hành khách có thân nhiệt cao, trung tâm sẽ cách ly, theo dõi, sau đó tiếp tục kiểm tra thân nhiệt. Nếu phát hiện trường hợp nghi nhiễm tại cửa khẩu, trung tâm có thể chuyển bệnh nhân vào Bệnh viện Bắc Thăng Long. Với trường hợp  nặng có thể đưa đến Bệnh viện Bạch Mai, hoặc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

Bệnh nhân hô hấp phải khám riêng

Việc phòng chống lây nhiễm Mers-CoV trong các cơ sở điều trị rất quan trọng

 

Theo khuyến cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới, nhóm nguy cơ cao mắc Mers-CoV là những người mắc bệnh đái tháo đường, suy thận, bệnh phổi mãn tính, những người bị bệnh miễn dịch. Vì thế, những đối tượng này nên tránh tiếp xúc với động vật, đặc biệt là lạc đà, nhất là khi tới các trang trại, chợ, chuồng trại, những nơi virus Corona có khả năng lưu hành. Đồng thời, để phòng ngừa Mers-CoV, người dân nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn, che mũi và miệng khi ho và hắt hơi, tránh tiếp xúc với mắt, mũi, miệng khi tay chưa được rửa sạch. Tránh tiếp xúc gần (ăn, uống chung cốc chén...) với người nhiễm bệnh. Ngoài ra, người dân cũng nên thường xuyên khử khuẩn bề mặt tiếp xúc như đồ chơi, sàn nhà, tay nắm cửa.

 

Cùng ngày, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn gửi các bệnh viện và các sở y tế toàn quốc đề nghị các bệnh viện tổ chức phân loại người bệnh ngay từ khi người bệnh đến đăng ký khám bệnh theo hướng: người bệnh có triệu chứng của viêm đường hô hấp cấp tính (ho, sốt…) phải được phân luồng và khám, tư vấn tại buồng khám riêng biệt. Tại buồng khám riêng biệt này phải khai thác các yếu tố dịch tễ của người bệnh sống hoặc đến từ các nước vùng Trung Đông và Hàn Quốc trong vòng 14 ngày, nếu thấy nghi ngờ trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính do Mers-CoV cần cách ly tạm thời, thông báo khẩn cho y tế dự phòng lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương hoặc Viện Pasteur TPHCM để chẩn đoán kịp thời. Đồng thời áp dụng các biện pháp bắt buộc về phòng ngừa lây nhiễm cho nhân viên y tế có tiếp xúc với người bệnh có triệu chứng của viêm đường hô hấp cấp tính trong quá trình khám chữa bệnh.

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Mers-CoV thuộc nhóm Corona virus, cùng họ với virus SARS nên rất nguy hiểm. Phần lớn bệnh nhân nhiễm Mers-CoV thường có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp cấp, gồm: sốt trên 38oC, ho, khó thở, tổn thương nhu mô phổi… Tuy vậy, vẫn có gần 30% ca bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nên rất khó chẩn đoán, cách ly sớm. Bệnh nhân suy hô hấp nặng lại diễn tiến rất nhanh, gây suy đa phủ tạng và dễ tử vong. Trong khi đó, trên thế giới hiện chưa có thuốc điều trị và vaccine dự phòng Mers-CoV.

Sáng 3-6, Sở Y tế TPHCM đã giao ban y tế dự phòng các quận, huyện triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh nói chung và dịch Mers-CoV nói riêng. Theo BS Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TPHCM, trung tâm đã có kế hoạch phòng chống dịch bệnh Mers-CoV tại các cửa khẩu của TPHCM, trong đó chú trọng ở cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Đồng thời đã phối hợp với các cơ quan liên quan như Cảng vụ hàng không, Hải quan, An ninh sân bay Tân Sơn Nhất để hỗ trợ giám sát, kiểm dịch và triển khai các thủ tục thuận lợi nhất nhằm phát hiện sớm và cách ly hiệu quả trong trường hợp phát hiện các hành khách có dấu hiệu nghi ngờ.

Theo ông Nguyễn Văn Sáu, hiện công tác giám sát chủ yếu vẫn bằng đo thân nhiệt từ xa 24/24 giờ, tiến hành khai báo y tế đối với hành khách có các yếu tố dịch tễ như đi về từ các vùng có dịch, sốt cao trên 38°C.

Theo Yonhap, ngày 3-6, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã đóng cửa 209 trường học, chiếm 1% tổng số trường của nước này do lo ngại sự lây lan của Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS). Đây là một trong những biện pháp phòng ngừa được áp dụng sau khi Hàn Quốc ghi nhận hai trường hợp tử vong do MERS; 3 trường hợp lây nhiễm cấp 3 và tổng số ca nhiễm căn bệnh này đã lên tới con số 30. Hầu hết các trường phải đóng cửa đều nằm ở tỉnh Gyeonggi, ngay sát thủ đô Seoul, nơi có bệnh viện ghi nhận trường hợp tử vong vì MERS đầu tiên ở Hàn Quốc.

Tối cùng ngày, Tổng thống Park Geun-hye sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn nhằm bàn các biện pháp khoanh vùng và dập dịch. Một trong những chủ đề trọng tâm của cuộc họp là việc tăng cường kiểm tra các nỗ lực kiểm dịch và cách ly nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh này.

HOÀNG THANH

KHÁNH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục