“Nước Mỹ trước tiên” xáo trộn thế giới
Với khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên”, Tổng thống Donald Trump đã có những bước đi quyết liệt và gây tranh cãi, nhưng cũng rất thực dụng, theo hướng đảo ngược chính sách so với chính phủ tiền nhiệm cả về đối nội và đối ngoại, miễn sao mang lại lợi ích cho nước Mỹ. Ông Donald Trump đã thực hiện các hành động đơn phương hoặc quay lưng với những bên khác trong các vấn đề như thương mại, biến đổi khí hậu, biên giới hay nhập cư...
Tuy nhiên, năm 2018 sẽ khó khăn với Tổng thống Donald Trump khi Mỹ tiến hành bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ, sự kiện vốn theo truyền thống được coi là “không thuận lợi” cho các tổng thống trong nhiệm kỳ đầu tiên. Đặc biệt trong bối cảnh uy tín của ông Donald Trump xuống thấp kỷ lục trong năm cầm quyền đầu tiên khi có khoảng 60% người Mỹ không hài lòng về cung cách ông điều hành công việc.
Nước Anh và Brexit
Năm 2017 được xem là một năm đầy kịch tính đối với nước Anh khi mà tiến trình đàm phán Brexit để “chia tay” Liên minh châu Âu (EU) mới diễn ra được 6 tháng song đầy khó khăn. Nhìn lại 6 vòng đàm phán vừa qua giữa Anh và EU, có thể tổng quan lại một thực tế là vị thế “mặc cả” của Anh lép vế hơn so với EU. Câu chuyện Brexit của năm 2018 sẽ không phải là câu chuyện về hình ảnh chính trị của Thủ tướng May bị suy giảm hay tăng lên, mà sẽ là câu chuyện nước Anh khai thác sự khác biệt giữa chính phủ các nước EU như thế nào để đạt được những mục tiêu có lợi nhất cho mình, cũng như giành lại được quyền tự quyết ở mức cao nhất cho nước Anh.
Nước Nga vững vàng trong thử thách
Nước Nga chuẩn bị bước vào năm 2018, năm bầu cử tổng thống quan trọng, với “thế và lực” mới. Bất chấp việc phải đối mặt với vô số khó khăn, thách thức trong năm 2017, khi phương Tây và Mỹ liên tục siết chặt các biện pháp trừng phạt, những thành công không thể phủ nhận của nước Nga cả trên mặt trận đối ngoại cũng như đối nội đang chứng minh nước Nga đã lấy lại vị thế và giành lại được tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế. Kết thúc chiến thắng chiến dịch chống khủng bố ở Syria và rút quân về nước là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong năm qua đối với Nga.
Trung Đông chia rẽ và phân cực
Một loạt sự kiện diễn ra tại Trung Đông cuối năm 2017 đã cho thấy sự chia rẽ và phân cực giữa các nước trong khu vực giờ đây đang leo thang lên một cấp độ mới, công khai và trực diện hơn. Từ việc Liên đoàn Arab (AL) nhóm họp để tìm cách đối phó với Iran và lực lượng Hezbollah theo dòng Hồi giáo Shi’ite, đến cuộc khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh giữa Qatar và nhóm nước Arab, đứng đầu là Saudi Arabia. Năm 2017 đang dần khép lại với những thắng lợi liên tiếp trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria, mở ra viễn cảnh tích cực thời hậu IS ở Trung Đông. Tuy nhiên, khi cuộc chiến này còn chưa thực sự kết thúc mà dự báo sẽ có nhiều thách thức và nguy cơ khó lường khác.
LHQ đối mặt nhiều thách thức
Trong năm 2017, LHQ cũng tiếp tục phát huy vai trò trung gian hòa giải giữa các bên xung đột và đã đạt được một số thành tích nhất định. Tuy nhiên, LHQ cũng gặp nhiều khó khăn trong cả hai lĩnh vực là cơ chế vận hành và nguồn lực cho các hoạt động. Có thể nói năm 2017 được xem là năm khởi đầu cho một thời kỳ phát triển mới của LHQ với việc tổ chức này có nhà lãnh đạo mới. Những thành tích mà LHQ đạt được trong năm 2017 tuy còn khiêm tốn, song cũng đã giúp LHQ duy trì được vị thế là tổ chức đa phương quan trọng nhất hành tinh trong bối cảnh thế giới đang rối ren và nhiều quốc gia có xu hướng hoài nghi hiệu quả hoạt động của các thiết chế đa phương.