Bà Trần Tố Nga: Tiếp tục cuộc đấu tranh đòi công lý

Ngày 10-5, Tòa đại hình Evry ở ngoại ô thủ đô Paris (Pháp) đã bác đơn của bà Trần Tố Nga kiện một nhóm công ty đa quốc gia đã sản xuất chất độc da cam mà Mỹ rải xuống Việt Nam trong chiến tranh, với lý do tòa này không đủ thẩm quyền để giải quyết vụ kiện về các hành động của Chính phủ Mỹ trong thời gian chiến tranh. 
Bà Trần Tố Nga phát biểu trước những người ủng hộ vụ kiện ở Paris tháng 1-2021
Bà Trần Tố Nga phát biểu trước những người ủng hộ vụ kiện ở Paris tháng 1-2021

Mâu thuẫn với các nguyên tắc hiện đại

Ngay sau khi Tòa đại hình TP Evry phán quyết rằng tòa không đủ thẩm quyền để xử  vụ kiện, bà Trần Tố Nga đã đề nghị nộp đơn kháng cáo lên Tòa phúc thẩm. Văn phòng Luật sư Bourdon khẳng định sẽ “luôn sát cánh” bên bà Trần Tố Nga và mong bà giữ gìn sức khỏe để có thể “tiếp bước cuộc đấu tranh đến cùng”. 

Các luật sư William Bourdon, Amélie Lefebvre và Bertrand Repolt, những người đã hỗ trợ bà Trần Tố Nga suốt hơn 10 năm qua, khẳng định phán quyết sáng 10-5 của Tòa đại hình TP Evry đã áp dụng một định nghĩa lỗi thời về nguyên tắc thẩm quyền thống nhất, mâu thuẫn với các nguyên tắc hiện đại của luật pháp quốc tế và quốc gia.

Các luật sư bày tỏ bất bình khi tòa công nhận các công ty hóa chất đã hành động theo lệnh của Chính phủ Mỹ thời đó, trong khi trên thực tế họ có quyền lựa chọn giữa tham gia hoặc không tham gia đấu thầu cung cấp thuốc diệt cỏ.

Nghiêm trọng hơn, Chính phủ Mỹ thời đó đã không hề áp đặt phải sản xuất ra sản phẩm chứa nồng độ dioxin cao như chất độc da cam. Điều này chỉ đến từ chủ trương của chính các công ty hóa chất.

Theo các luật sư của bà Trần Tố Nga, trước tòa phúc thẩm, cần xác định toàn bộ nội dung các cuộc trao đổi giữa Chính phủ Mỹ thời đó và các công ty hóa chất, điều mà hiện nay chỉ có thể được thực hiện một phần và hết sức khó khăn. Mục đích là để tòa có thể tiếp cận toàn bộ nội dung các cuộc trao đổi trên, chứ không phải chỉ những phần được các công ty lựa chọn và đề xuất theo hướng có lợi cho mình.

Vững tin vào hành trình cuối cùng của cuộc đời

Bà Trần Tố Nga đệ đơn kiện đòi trách nhiệm từ các công ty, đứng đầu là Monsanto và Dow Chemical, về những tổn thương mà bà, các con bà và vô số nạn nhân Việt Nam khác phải gánh chịu.

Hơn 50 năm sau, trong máu bà vẫn còn chất độc dioxin, khiến bà mắc nhiều trọng bệnh, như tiểu đường và một chứng dị ứng insulin cực kỳ hiếm gặp. Bà cũng từng mắc bệnh lao 2 lần, phát triển thành ung thư và con gái của bà đã chết do dị tật tim. 

Trước phán quyết của Tòa đại hình Evry, nơi mình sinh sống, bà Trần Tố Nga chia sẻ: “Tôi không bất ngờ vì đã chuẩn bị trước tinh thần. Tôi sẽ lập tức kháng cáo và tiếp tục một chặng đường mới dù khó khăn, vất vả đến đâu”.

Bà bày tỏ thái độ bình tĩnh và vững tin vào cuộc đấu tranh mà bà coi là “hành trình tranh đấu cuối cùng của cuộc đời”. Nếu tiến trình tố tụng vẫn diễn ra, bà Trần Tố Nga cũng muốn mở rộng vụ kiện thêm tội danh “hủy diệt môi sinh” (ecocide) - một tội ác đối với thiên nhiên. Sử dụng chất khai quang trong chiến tranh sẽ là minh họa thực tế đầu tiên về chất hủy diệt hệ sinh thái.

Năm 1984, các cựu binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin đã được bồi thường gần 180 triệu USD, song những người Việt Nam - những nạn nhân bị phơi nhiễm khi Mỹ phun rải chất phát quang trên diện rộng, chưa bao giờ được bồi thường. 

Liên quan đến vụ kiện, nhiều kênh truyền thông của Đức, trong đó báo Frankfurter Rundschau (FR) của Đức ngày 9-5 đăng bài viết của tác giả Stefan  Brändle nhấn mạnh rằng, chất độc vẫn tiếp tục gây hậu quả ở Việt Nam cho đến nay. Ngay cả thế hệ thứ 4 sinh ra sau khi chiến tranh kết thúc, mỗi năm vẫn có khoảng 6.000 trẻ ở Việt Nam sinh ra bị dị tật và mắc các bệnh hiểm nghèo.

Tờ Ngôi sao (Stern) ngày 7-5, cho biết thêm là hiện các tập đoàn hóa chất đã đề nghị bồi thường cho bà Trần Tố Nga nhưng đều bị bà bác bỏ. Bà nói rõ đây là “cuộc chiến cuối cùng” nhưng không phải vì tiền mà để đòi lại công lý, không chỉ của riêng cá nhân bà mà còn hàng triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam khác.

Đến nay, bà Trần Tố Nga đã có hàng chục ngàn người từ nhiều nước trên thế giới làm bạn đồng hành, trong đó có rất nhiều người trẻ tuổi sinh ra sau chiến tranh Việt Nam. Dự kiến, tối 10-5 (giờ địa phương), ủy ban ủng hộ vụ kiện Trần Tố Nga sẽ họp bàn chiến lược sắp tới. Một cuộc họp báo sẽ diễn ra sáng 11-5 (giờ địa phương) với sự đăng ký tham gia của nhiều cơ quan báo chí Pháp và nước ngoài.

Bà Trần Tố Nga cho biết sẽ tham gia tuần hành ngày 15-5 cùng những người ủng hộ để phản đối Công ty Monsanto và nhắc lại về vụ kiện.

Tin cùng chuyên mục