Những chuyên án đường dây buôn phụ nữ ra nước ngoài

Bài 3: Để không bị lừa bán vào các động bán dâm

Bài 3: Để không bị lừa bán vào các động bán dâm

Để kết thúc loạt bài viết về các chuyên án trên, chúng tôi đã có buổi trò chuyện với Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14)

- PV:
Thưa thiếu tướng, trước tình trạng buôn bán phụ nữ ra nước ngoài để ép làm gái mại dâm ngày càng gia tăng, Chính phủ vừa có CT 130 (Chương trình hành động chống tệ buôn phụ nữ và trẻ em), Cục sẽ làm gì để thực hiện chương trình này?

- Thiếu tướng PHẠM XUÂN QUẮC: Phụ nữ bị lừa bán sang các nước để ép hành nghề mại dâm ngày càng nhiều và đây là thực trạng có thật. Phụ nữ Việt Nam bị lừa đi bán dâm ở nước ngoài nhiều nhất là sang lãnh thổ Đài Loan, Trung Quốc và đang lan rộng sang khu vực Đông Âu như Nga, Czech, Đức và một số nước trong khu vực ASEAN như Malaysia, Thái Lan, Indonesia...

Bài 3: Để không bị lừa bán vào các động bán dâm ảnh 1

Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc (thứ hai từ trái sang) trong cuộc họp chuyên án tại phía Nam.

Cục C14 chỉ là một mảng trong công tác đấu tranh với những kẻ tổ chức buôn bán phụ nữ, bởi C14 chỉ vào cuộc khi có lời kêu cứu của nạn nhân. Công việc của chúng tôi là khẩn trương phối hợp cùng VP Interpol Việt Nam (VPI), bộ đội biên phòng để giải cứu nạn nhân và tiến hành bóc tách, truy bắt những kẻ tổ chức các đường dây buôn người kia.

Nhưng thường thì khi nhận được lời kêu cứu và tổ chức giải thoát được nạn nhân thì sự việc đã ở giai đoạn đáng tiếc (thở dài). Địa bàn đấu tranh chủ yếu của C14 là nội địa, bởi vậy C14 chủ động tăng cường các biện pháp phối hợp với lực lượng biên phòng để quản lý tốt hơn vùng biên và đường biên; cạnh đó, C14 phối hợp và trao đổi thông tin với công an các địa phương để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ buôn bán phụ nữ qua biên giới bằng đường bộ và triệt tiêu các đường dây ngay từ trong trứng nước.

Và, để thực hiện tốt CT 130 của Chính phủ, Cục 14 vừa thành lập riêng một phòng nghiệp vụ gồm nhiều sĩ quan trinh sát dày dạn kinh nghiệm với loại tội phạm chuyên lừa và buôn bán phụ nữ và trẻ em ra nước ngoài. Đó là phòng 7.

- Thiếu tướng đánh giá tệ trạng này thế nào và theo Thiếu tướng, chúng ta sẽ phải bắt đầu từ đâu trong việc kéo giảm con số nạn nhân bị lừa bán ra nước ngoài để bán dâm?

- Qua thống kê tạm thời, đối tượng bị lừa bán trong các đường dây mại dâm ra nước ngoài vừa qua có đến gần 70% là chị em nông thôn; ít học, nhẹ dạ, cả tin và gia đình họ cũng muốn đổi đời nhanh chóng… Theo tôi, việc cần làm ngay là Hội Liên hiệp phụ nữ, chính quyền các địa phương cần tăng cường nhiều hơn nữa công tác tuyên truyền – từ phương thức, thủ đoạn lừa phỉnh của bọn xấu, đến nguy cơ bị lây nhiễm HIV qua việc bán dâm đến từng gia đình, nhất là gia đình có con gái ở nông thôn, vùng ven thành phố để họ biết mà tránh.

Thủ đoạn lừa đảo của bọn buôn người này thật ra không có gì ghê gớm và tinh vi. Bọn chúng thường lợi dụng trình độ dân trí thấp, nhẹ dạ, cả tin và sự hám tiền khi chúng vẽ ra cho “con mồi” một tương lai đầy hấp dẫn như: đi giúp bán hàng mỹ nghệ, tiếp viên nhà hàng karaoke, may gia công mà thu nhập 800–1.000USD/tháng, không phải đóng tiền thế chân lại còn được cho mượn trước vài trăm USD mua sắm v.v...

Tài liệu tuyên truyền cần được chuẩn bị kỹ càng và thuyết phục hơn với những hình ảnh thật, thông tin cụ thể bằng những bài báo, những băng, dĩa hình để trình chiếu trong các buổi nói chuyện tại các thôn, xã. Chẳng ai bảo vệ và ngăn ngừa hậu quả xấu cho chị em tốt hơn chính sự hiểu biết và sự cảnh giác với các thủ đoạn của bọn xấu của bản thân họ và gia đình.

- Muốn ngăn ngừa tệ buôn bán phụ nữ không lẽ chỉ cần tuyên truyền, giáo dục? Và không lẽ, C14 phải chờ có nạn nhân kêu cứu mới vào cuộc, thưa Thiếu tướng?

- Tuyên truyền, giáo dục là khâu đầu tiên và cơ bản nhất, phía các cơ quan chức năng cũng cần phải làm hết lòng vì nhiệm vụ của mình, nâng cao hiệu quả đấu tranh bằng mọi biện pháp nghiệp vụ. Với lực lượng công an, nhất là công an cấp phường-xã, quận -huyện; ngoài việc phối hợp trong công tác tuyên truyền, giáo dục với chính quyền đoàn thể tại địa phương cần chủ động nắm tình hình, theo dõi chắc những tên có tiền án, tiền sự trong hoạt động này và phải kiểm soát được hoạt động của bọn chúng trên địa bàn mình quản lý.

Mặt khác, công an phải phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng để quản lý đường biên và phát hiện những chuyến buôn người bằng mọi biện pháp nghiệp vụ. Còn nữa, việc các cô gái trẻ tự dưng “biến mất” khỏi địa phương mà xã, phường không biết họ đi đâu, chỉ khi nào họ trở về với bao điều tiếng hoặc có trinh sát về truy xét thì địa phương mới biết, như thế là tắc trách! Cảnh sát khu vực và chính quyền địa phương quản lý nhân khẩu lỏng lẻo khiến bọn xấu mò về tận địa phương mình gây án mà không biết là thiếu trách nhiệm.

Thiếu trách nhiệm gây hậu quả đến đâu thì xử lý đến đấy. Và việc này đã có cơ chế cả rồi. Theo tôi, khung án dành cho loại tội phạm này cũng cần được xem xét tăng nặng, bởi đây không chỉ là lừa đảo tài sản vật chất mà là lừa đảo cuộc sống tinh thần, di hại không nhỏ cho cuộc sống mai sau của nhiều người nhẹ dạ, cả tin.

Hiện có rất nhiều đường dây lừa bán phụ nữ ra nước ngoài bằng đường hàng không, với nhiều hình thức đi khác nhau: lừa đi lao động hợp tác, khi vừa sang đến sân bay đã có người của các đường dây mại dâm “đón thẳng” về ổ chứa; lừa đi giúp việc gia đình; hoặc qua các cuộc hôn nhân qua môi giới... Như đã nói, địa bàn đấu tranh của C 14 là trong nước, trong khi đó, các vụ buôn người ra nước ngoài bằng đường hàng không ngày càng nhiều.

Vì thế, Lực lượng Interpol Việt Nam là đơn vị chủ công trong nỗ lực đưa các nạn nhân về nước và C 14 sẽ là đơn vị thực hiện phần việc truy xét, bóc tách và phá vỡ đường dây của bọn tội phạm tuyển người trong nước, như vụ tên Wiliam Chua Jee Hai là một ví dụ.

Một ví dụ khác, báo chí vừa nói đến một cô gái lấy chồng 70 tuổi thông qua một người làm nghề môi giới hôn nhân; Hội phụ nữ, chính quyền địa phương lên tiếng can ngăn, nhưng cô ta kiên quyết ra đi. Chúng tôi thấy trong chuyện này có dấu hiệu bất minh, nhưng người trong cuộc không lên tiếng thì chịu... (cười)

-  Xin cảm ơn Thiếu tướng! 

PHẠM THỤC

Tin, bài liên quan:
Bài 2: “Học nghề may” trong động chứa
Bài 1: Chuyên án từ Malaysia  

Tin cùng chuyên mục