
“Đội ngũ cán bộ nữ chủ chốt TPHCM không ngừng trưởng thành cả về số lượng lẫn chất lượng và ngày càng khẳng định uy tín, vai trò trong sự nghiệp xây dựng và phát triển TPHCM” - đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHCM với các cán bộ nữ chủ chốt TPHCM diễn ra vào sáng 28-10. Cùng dự có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TPHCM Dương Quan Hà.
Vì sao nhiều phụ nữ ít phấn đấu?

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải gặp gỡ các cán bộ nữ chủ chốt của TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Từ đầu nhiệm kỳ (năm 2006) đến nay, TPHCM đã có 664 cán bộ nữ diện Thành ủy TPHCM quản lý được điều động, bổ nhiệm; nữ Thành ủy viên chiếm 17,74% (đầu nhiệm kỳ là 16,94%); 26,97% cán bộ nữ tham gia BCH Đảng bộ quận ủy-huyện ủy.
Đáng chú ý TPHCM có 181 cán bộ nữ được đào tạo thạc sĩ-tiến sĩ các ngành khoa học công nghệ mũi nhọn và trong 548 cán bộ trẻ quy hoạch dài hạn công tác ở cơ sở, nữ chiếm 35,5%.
Sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ nữ chủ chốt TP là kết quả của sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của Thành ủy TPHCM và cấp ủy các cấp trong công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng, bố trí cán bộ nữ. Tuy nhiên, so với nam giới và tiềm năng cán bộ nữ, phụ nữ làm công tác lãnh đạo, quản lý ở quận-huyện, sở-ngành còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn và không đồng đều, nhiều nơi tỷ lệ này giảm rõ rệt.
Giải thích nguyên nhân, Bí thư Quận ủy Bình Thạnh Đinh Thị Lang cho rằng, cán bộ nữ mất khoảng từ 5 đến 10 năm tập trung thời gian nuôi con nhỏ, đến ngoài 30-40 tuổi mới có điều kiện tập trung vào sự nghiệp, nên ít có điều kiện phát triển. Ở độ tuổi ngoài 40, đây là giai đoạn người phụ nữ hoàn thiện cơ bản về gia đình, con cái lớn khôn, kiến thức và kinh nghiệm công tác, nên có thể có khả năng tham gia quản lý, lãnh đạo như nam giới nếu được đào tạo bài bản.
Một số ý kiến đề nghị, Thành ủy và cấp ủy các cấp cần có lộ trình, chính sách đào tạo cụ thể, phù hợp với độ tuổi, giới tính, đồng thời có kế hoạch bố trí, đề bạt cán bộ nữ tiếp cận các chức danh cơ cấu cấp ủy nhiệm kỳ mới.
Theo Chủ tịch UBND quận 6 Trần Thị Thu Vân, thách thức lớn nhất đối với cán bộ nữ là vừa phải thực hiện thiên chức người mẹ, người vợ trong gia đình vừa tham gia vào quá trình công tác, họ phải tốn sức lực, thời gian, tiền bạc nhiều hơn nam giới. Trong khi đó, các chính sách về cán bộ nữ ít được quan tâm.
Điều đó lý giải vì sao nhiều phụ nữ lựa chọn gia đình mà ít phấn đấu cho sự nghiệp, công danh. Thấy được nỗi vất vả của cán bộ nữ khi công tác xa nhà trong thời gian dài, Phó Tổng Giám đốc Công ty Kỳ Hòa Võ Thị Thúy đề nghị: “Khi đề bạt cán bộ nữ, Thành ủy nên xem xét cả yếu tố gia cảnh của phụ nữ và có chính sách hợp lý hóa gia đình khi luân chuyển cán bộ nữ”…
Cán bộ nữ có thể nghỉ hưu ở độ tuổi 60?
“Dù khó khăn đến mấy, TPHCM không thể hạ chuẩn cán bộ nữ để đề bạt, bổ nhiệm! Tôi thấy ở những đơn vị làm tốt công tác cán bộ nữ, cộng với sự vươn lên của chị em thì cả bí thư, phó bí thư thường trực hoặc chủ tịch đều là nữ; có cấp ủy 30% cán bộ nữ nắm các chức danh chủ chốt. Yếu tố quyết định sự thành công của cán bộ nữ, đó là sự vượt lên chính mình, còn vai trò cấp ủy Đảng chỉ là điều kiện khách quan!”-Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải khẳng định.

Tiềm năng cán bộ nữ ở TPHCM khá dồi dào, nhưng số cán bộ nữ được đào tạo thạc sĩ-tiến sĩ và trong diện quy hoạch dài hạn vẫn chưa đáp ứng so với yêu cầu. Đề cập đến công tác đào tạo, đồng chí Lê Thanh Hải cho rằng, một trong những nguyên nhân đào tạo cán bộ nữ gặp khó khăn là do hạn chế về nhận thức và tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành.
Do vậy, người đứng đầu cấp ủy và cơ quan cần đổi mới nhận thức, cách thức và phương pháp đào tạo, đề bạt cán bộ nữ để họ không bị mất cơ hội làm việc, thăng tiến như nam giới. Thêm vào đó, cần có sự cảm thông, chia sẻ từ phía người chồng, gia đình, đồng nghiệp nam và cả… cán bộ nữ. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bình Chánh Thái Hồng Mai bộc bạch: “Còn tình trạng khắt khe giữa cán bộ nữ với nhau!”. Nghe nói vậy, Bí thư Lê Thanh Hải yêu cầu: “Từng cấp ủy coi lại đơn vị mình có tình trạng cán bộ nữ… níu kéo lẫn nhau không?”.
Độ tuổi lao động nữ được nhiều ý kiến đề nghị nâng độ tuổi nghỉ hưu lên 60 tuổi. Theo quy định hiện hành, cán bộ nữ về hưu ở độ tuổi 55 và đây được coi là chính sách ưu tiên đối với cán bộ nữ, nhất là người trực tiếp sản xuất. Tuy nhiên, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã tạo điều kiện cho cán bộ nữ có nhiều cơ hội học tập và tham gia công tác lãnh đạo, quản lý xã hội. Đây là cơ sở cho sự cần thiết điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, đề bạt lần đầu ngang bằng nhau giữa nam và nữ.
Năm 2005, Trung ương đã đồng ý nâng độ tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ nữ giữ chức vụ Phó Bí thư Thành ủy (ở một số TP lớn) từ 55 lên 60 tuổi. “Như thế đã có tiền lệ! Tôi đề nghị các cơ quan chức năng ở TPHCM nghiên cứu để vận dụng, hoặc kiến nghị Trung ương nâng tuổi hưu lên 60 tuổi đối với cán bộ nữ giữ một số chức danh chủ chốt, có thể xem xét áp dụng ở khối sở-ngành, quận-huyện trở lên” - Bí thư Lê Thanh Hải gợi ý.
Về lâu dài, hầu hết ý kiến đều cho rằng, để khai thác tối đa nguồn lực, trí tuệ, chất xám dồi dào cán bộ nữ trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội đòi hỏi phải cần sự thay đổi nhiều hơn về nhận thức, cơ chế, chính sách về tuổi đào tạo, tuổi đề bạt, tuổi nghỉ hưu của cán bộ nữ trong hệ thống chính trị hiện nay.
TUẤN SƠN