Một số tờ báo tại TPHCM vừa đăng thông tin về việc người dân ở huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đặt tên con theo tên diễn viên Hàn Quốc. Thậm chí, có cán bộ xã đã đặt tên cả 3 con của mình theo tên trong bộ phim “Mối tình đầu”: Đứa 8 tuổi tên là San Ốc, tiếp theo, lần lượt là San Ân và bé San U.
Việc ảnh hưởng của văn hóa Hàn Quốc đối với giới trẻ hiện nay thực ra không mới. “Cơn bão” mặc quần áo, trang điểm kiểu Hàn Quốc và đi ăn uống trong những quán ăn Hàn Quốc cũng từng tràn vào các đô thị. Có thể nói, cùng với việc bán những bộ phim truyền hình, người Hàn Quốc đã thông qua đó quảng bá về cách sống, lối ăn, lối mặc của họ.
Trong thời đại hội nhập kinh tế, khi thế giới đang ngày càng mở cửa và khoa học công nghệ phát triển đến mức ở Việt Nam có thể xem trực tiếp một chương trình diễn ra tại Mỹ, thì việc các nền văn hóa và những phong cách sống nước ngoài theo đó tràn vào cũng chẳng có gì lạ. Có khi theo chân văn hóa là sản phẩm, có khi những doanh nghiệp bắt đầu một chiến dịch quảng cáo, tiếp thị về lối sống, về phong cách “xì-tin, kiểu Úc” để từ đó bán hàng. Hiện nay, các đô thị lớn của Việt Nam như TPHCM gần như đã có đủ loại sản phẩm đến từ các quốc gia trên thế giới. Không chỉ là những đồ dùng chúng ta chưa sản xuất được, mà có những món ăn trước đây xa lạ: gà rán KFC, thịt nướng kiểu Nga, Brazil, Mỹ, Nhật… Thậm chí, có cả bánh mì kiểu Thổ Nhĩ Kỳ!
Có thể nói đó là một phần của xu thế hội nhập. Chúng ta không thể và cũng không nên chống lại việc mở cửa thị trường, hội nhập với thế giới. Nhưng chúng ta cũng không thể để văn hóa dân tộc phai mờ, dù chỉ là trong một bộ phận người dân. Ăn, mặc, nghe nhạc, ứng xử, đặt tên… cũng là những phần văn hóa quan trọng cần gìn giữ. Ngay tại Pháp, người ta cũng từng mở lớp dạy trẻ nấu và ăn món ăn truyền thống, để chúng đừng lúc nào cũng chọn thức ăn nhanh kiểu Mỹ. Vấn đề không chỉ là chuyện bán hàng, bởi sau đó là văn hóa, là bản sắc dân tộc.
Bài toán hòa nhập nhưng không hòa tan không phải chưa được các nhà quản lý nhà nước tính đến. Đó là điều cần thiết để khi ra thế giới, người Việt Nam vẫn có thể tự hào với không chỉ chiếc áo dài, mà là cả một bản sắc văn hóa được hun đúc trong suốt hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước. Vấn đề là, khi triển khai chủ trương hòa nhập không hòa tan đó vào thực tế chúng ta cần làm tốt hơn những gì đã làm được. Các nhà quản lý văn hóa (và cả các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, đạo diễn phim…) không thể chỉ nói về việc giữ gìn văn hóa; không chỉ vận động người Việt Nam phải đặt tên con theo tiếng dân tộc của mình, mà phải chỉ cho người dân thấy rằng: tại sao nên làm như vậy.
Hơn nữa, việc “chỉ cho họ thấy” cũng nên được thực hiện theo cách dễ hiểu, dễ tiếp thu, như cách mà người Hàn Quốc giới thiệu về họ bằng phim. Khi người nước ngoài có thể thông qua việc truyền bá văn hóa để bán hàng của họ cho người Việt, tại sao chúng ta không nghĩ đến việc quảng bá về một phong cách Việt Nam, bản sắc Việt Nam ra nước ngoài?
Với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, dưới tác động của Internet, thế giới đang “nhỏ” lại, các đường biên giới đang ngày càng “mỏng” đi. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa bây giờ không chỉ ảnh hưởng đến chuyện ngôn ngữ, ăn mặc hay chuyện bán hàng, mà còn để bảo vệ Tổ quốc, để tôn vinh thêm vào lòng tự hào dân tộc, giữ gìn bản sắc Việt Nam.
MINH TÚ