Vào ngày 19-2, Báo Sài Gòn Giải Phóng Điện tử tiếng Anh đăng bài báo của AFP về chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến Trung Quốc với nội dung Mỹ gác lại vấn đề nhân quyền để cùng Trung Quốc tìm cách vượt qua khủng hoảng kinh tế. Sau khi đọc bài báo trên, ông Brendan Brogan (công dân Mỹ thông qua địa chỉ email: brendan.brogan@gmail.com) đã gửi thư cho bà Ngoại trưởng Mỹ, đồng thời gửi cho Báo Sài Gòn Giải Phóng, hoan nghênh cách tiếp cận của bà đối với các đối tác Đông Á.
Sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra bản báo cáo hàng năm phê phán một số quốc gia trong việc bảo đảm nhân quyền, ngày 27-2, ông đã tiếp tục gửi cho chúng tôi một bức thư nữa khẳng định đó là bản báo cáo không đúng sự thật. Chúng tôi xin dịch toàn văn 2 bức thư giới thiệu cùng độc giả.
Thư gửi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton
Bà Ngoại trưởng thân mến,
Dưới đây là bức thư tôi gửi cho Báo Sài Gòn Giải Phóng Điện tử tiếng Anh. Tờ báo vừa đăng bài viết của Hãng tin AFP về cách tiếp cận mới tuyệt vời của bà đối với Trung Quốc và vấn đề nhân quyền. Đó là cách tiếp cận đúng đắn và là cách duy nhất mang lại hiệu quả cho tiến trình phát triển quan hệ hai nước. Tôi hy vọng rằng bà sẽ xem xét việc mở rộng phương pháp tiếp cận mới và được hoan nghênh này trong quan hệ đối với Việt Nam. Sau nhiều năm nghiên cứu, tôi tin rằng sự thay đổi đó sẽ rất có ích cho quan hệ Mỹ và Việt Nam.
Cảm ơn vì đã phát biểu như thế trong chuyến thăm Trung Quốc. Những điều bà đã nói tôi nghĩ rằng tôi chưa bao giờ nghe từ Chính phủ Mỹ. Bà thật sự đang đánh dấu một kỷ nguyên mới cho đất nước chúng ta. Xin đừng để những lời chỉ trích làm bà nhụt chí.
Tôi yêu mến những người nói sự thật về việc làm thế nào chúng ta giỏi hơn các quốc gia khác khi họ có rất nhiều điều khác với chúng ta.
Với lòng tôn trọng và ngưỡng mộ sâu sắc.
Brendan Brogan
Thư gửi Báo Sài Gòn Giải Phóng
Tôi muốn đề cập đến việc Bộ Ngoại giao Mỹ vừa đưa ra báo cáo nhân quyền hàng năm. Tôi đọc phần về Việt Nam và hy vọng rằng Việt Nam không xem bản báo cáo đó là nghiêm trọng. Dù có vài lời khen bản báo cáo nhưng nó là vô dụng. Bản báo cáo đã bỏ qua luật pháp các nước sở tại và không đáng tin tưởng. Tôi biết CHXHCN Việt Nam sẽ phản đối bản báo cáo như họ nên làm. Tôi chỉ hy vọng các bạn hiểu rằng bản báo cáo đó được yêu cầu bởi luật pháp Mỹ (thật đáng buồn) và thông tin trong đó không cần chính xác.
Việt Nam đã làm nhiều việc tốt hơn các quốc gia khác. Với tư cách là một công dân Mỹ, tôi xin lỗi nếu như bản báo cáo thường niên đó dẫn đến những tình cảm không hay. Tôi không phải là đại sứ nhưng tôi nghĩ rằng đa số người Mỹ đã từng nghiên cứu về Việt Nam và sống ở Việt Nam đều đồng ý rằng bản báo cáo đó không phản ánh trung thực đời sống thường nhật ở Việt Nam. Tôi cũng tin chắc phần lớn người Mỹ nhận ra rằng trong lĩnh vực nhân quyền ngay bản thân nước Mỹ cũng có nhiều vấn đề, và việc đưa ra những lời buộc tội các nước khác về vấn đề nhân quyền được đánh giá như là hành động đạo đức giả.
Với lòng trân trọng đối với tất cả các bạn.
Brendan Brogan
Nhiều nước bác bỏ báo cáo nhân quyền của Mỹ Làn sóng phản đối Báo cáo về tình hình nhân quyền thế giới năm 2008 của Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục diễn ra tại nhiều nước. Trung Quốc, nước đầu tiên lên tiếng bác bỏ báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ, phê phán những chỉ trích của Mỹ về hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triệu Húc tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng thảo luận về nhân quyền với bất kỳ nước nào, nhưng chỉ trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Tại Mátxcơva, phản ứng trước việc báo cáo nhân quyền của Mỹ cho rằng Nga vẫn vi phạm các quyền tự do dân chủ, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố “Mátxcơva sẵn sàng thảo luận về bất kỳ mối quan ngại nào của Mỹ, nhưng điều quan trọng là các cuộc thảo luận này phải dựa trên cơ sở thực tế và không thành kiến xuất phát từ phía Mỹ”. Ngày 27-2, Bộ Ngoại giao Venezuela đã cực lực phê phán báo cáo nhân quyền của Mỹ vì nó có nội dung bịa đặt, ác ý và mang tính can thiệp. Cùng ngày, Chính phủ Bolivia cũng ra tuyên bố bác bỏ báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ về tình hình nhân quyền tại quốc gia Nam Mỹ này, coi đây là một sự xuyên tạc trắng trợn thực tế ở Bolivia, đồng thời khẳng định quyền con người tại Bolivia đã được cải thiện hơn rất nhiều so với những năm trước đây. H.CH. (Theo Reuters, THX) |