

Hội nghị Phong trào không liên kết (NAM) đề xuất thiết lập một hãng thông tấn nhằm tạo đối trọng chống sự thống trị của các phương tiện truyền thông phương Tây
Các nước đang phát triển đề xuất thiết lập một hãng thông tấn nhằm tạo đối trọng chống sự thống trị của các phương tiện truyền thông phương Tây. Kế hoạch này được đưa ra tại hội nghị Phong trào không liên kết (NAM) khai mạc hôm nay 21-11 ở Malaysia.
Hãng thông tấn tương lai có thể lấy cơ sở phát hành là Internet, sử dụng tin bài của các báo và hãng thông tấn quốc gia thành viên. Nếu được thông qua, cơ quan này sẽ bắt đầu hoạt động năm 2007, theo kế hoạch được đưa ra tại hội nghị hai ngày này.
Cũng theo đề xuất, trụ sở của hãng có thể đặt ở Kuala Lumpur, và do hãng thông tấn quốc gia Malaysia là Bernama điều hành. Hãng thông tấn mới có nhiệm vụ chống "sự tuyên truyền mang tính phân biệt và bóp méo thông tin về các sự kiện xảy ra ở các nước đang phát triển", tài liệu mô tả đề xuất này có đoạn.
Hãng thông tấn mới đóng vai trò là bệ phóng "thể hiện sức mạnh của chúng ta và cách nhìn nhận của chúng ta với thế giới".
Tuy nhiên, theo nhận xét của BBC tại Kuala Lumpur, việc thông qua một đề xuất như thế này không phải là chuyện dễ dàng. Một số quốc gia trong phong trào không liên kết có nền báo chí cực kỳ độc lập, trong khi đặc điểm báo chí ở các nước thành viên phong trào không giống nhau. Một trong những khó khăn kỹ thuật nữa là lựa chọn ngôn ngữ nào cho hãng thông tấn này.
Hiện một số nước thành viên NAM ở Đông Á, trong đó có Malaysia, đã tổ chức một mạng lưới trao đổi tin bài tương tự như đề xuất. Tuy nhiên, hầu hết các tổ chức truyền thông khu vực này đều dựa vào các nguồn từ hãng thông tấn như Reuters và AP khi đưa tin quốc tế.
NAM gồm 116 quốc gia thành viên, chủ yếu là các nước đang phát triển ở châu Á, Phi và Mỹ La tinh.
V.Q (Theo VnExpress)