Bao giờ hết “gửi” đồng hồ nước?

Đứng trên bờ kênh Thủy Lợi (ấp 6, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TPHCM), ai cũng nhìn thấy các ống nước vá chằng, vá đụp “ngụp lặn” dưới dòng kênh. Tương tự, dọc lề đường Lô 3 ấp 6, ống nước từ trong nhà dân băng qua đường rồi “lặn xuống”, ra đến các đồng hồ ở gần giao lộ đường Bình Minh. Chưa biết đến bao giờ hàng chục hộ dân ở đây mới thoát cảnh “gửi” đồng hồ như vậy.
Các hộ dân đường Lô 3 ấp 6, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TPHCM đưa ống nước “lặn” xuống kênh Thủy Lợi để nối đến đồng hồ nước “gửi” bên kia bờ kênh
Các hộ dân đường Lô 3 ấp 6, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TPHCM đưa ống nước “lặn” xuống kênh Thủy Lợi để nối đến đồng hồ nước “gửi” bên kia bờ kênh

Phập phồng lo bể ống

Huyện Bình Chánh, TPHCM đang trong quá trình đô thị hóa. Các tuyến đường đều được trải nhựa phẳng phiu. Cùng với đó, nước sạch cũng đã về đến tận nhà người dân vùng ngoại thành xa xôi này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ dân ở vùng sâu vẫn chưa được tận hưởng niềm vui trọn vẹn. Ông Lê Văn Tám, 65 tuổi, ngụ tại ấp 6, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, cho biết: “Cách đây hơn 5 năm, các hộ dân sinh sống ở 2 bên bờ kênh Thủy Lợi rất vui mừng khi được gắn đồng hồ nước. Không vui sao được khi hàng chục năm qua, chúng tôi phải lắp cả trăm mét đường ống để “câu” nước về sinh hoạt và trả tiền với giá cao. Nước xài tằn tiện chỉ dùng cho ăn uống, tắm rửa…; còn giặt đồ vẫn xài nước giếng nhiễm phèn khiến quần áo vàng khè. Nhưng, cái khó hiện nay là chúng tôi không thể lắp đồng hồ nước ở trước cửa nhà, mà phải đặt ở đầu đường Lô 3 ấp 6, gần với giao lộ đường Bình Minh”. Chi phí lắp đặt đồng hồ nước vẫn áp dụng giá như các quận, huyện khác, nhưng chi phí đi đường ống từ nhà dân ra đến đồng hồ rất cao và do người dân chi trả. Do vậy, chỉ những hộ “có điều kiện” mới dám bỏ số tiền lớn để lắp đặt đồng hồ nước. Các hộ dân khác vẫn chấp nhận trả phí cao để tiếp tục “câu” nước sạch về sinh hoạt; bởi một trăm ngàn đồng trả hàng tháng vẫn ít hơn đầu tư cả chục triệu đồng để có nước sạch.

Ông Lê Hà Triều, ngụ F12/2 ấp Lê Minh Xuân, cho biết thêm: “Nhà tôi cách giao lộ Bình Minh khoảng 80 mét. Đường ống cũng dài ngần ấy mét. Chi phí đào đường, lắp ống gần chục triệu đồng. Để bảo vệ đồng hồ nước, chúng tôi đã xây một cái hộc bằng gạch ống. Tuy nhiên, đường ống nước thì không thể bảo vệ. Do vậy, chúng tôi luôn phập phồng lo sợ. Nước thất thoát thì chủ đồng hồ phải chi trả và khắc phục. Vì thế, khi tiền nước đột ngột tăng cao, chúng tôi phải thay thế toàn bộ đường ống chứ khó lần dò, thay thế đoạn nào bị bục, bể. Mình đi thẳng mà còn lo như vậy, huống chi các hộ lắp đặt đường ống nước “lặn” qua kênh Thủy Lợi!”.

Nhiều lần lỗi hẹn

Tại các cuộc họp tổ dân phố hay tại các buổi tiếp xúc đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND TPHCM, người dân sinh sống ở ấp 6, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh đều có ý kiến về việc lắp đặt đồng hồ nước. Nhưng đến nay, những kiến nghị của người dân vẫn chưa có kết quả khả quan. Trong khi ở gần đó, người dân sinh sống trên đường Võ Hữu Lợi, Bình Minh - hai con đường cắt ngang đường Lô 2 ấp 6, đường Lô 3 ấp 6 - lại đều đã được lắp đặt đồng hồ nước.

Ngoài ý kiến tại các cuộc họp, nhiều người dân đã đến gặp lãnh đạo công ty cấp nước về việc này. Lúc trước, việc cấp nước sạch ở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh do Công ty cấp nước Chợ Lớn quản lý. Qua khảo sát, công ty cho biết chi phí lắp đặt đường ống nước đi qua nhà các hộ dân ở đường Lô 2 ấp 6 và Lô 3 ấp 6 rất cao, trong khi với số hộ dân ở khu vực này (hơn 100 hộ) thì khó thu hồi chi phí bỏ ra. Ông Lê Hà Triều cho biết thêm: “Cách đây 3 năm, việc quản lý cấp nước sạch đã được bàn giao cho Xí nghiệp Cấp nước sinh hoạt nông thôn. Chúng tôi được biết Công ty Sawaco - Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV, doanh nghiệp chủ quản, có hứa sẽ khảo sát và làm hệ thống ống nước ở khu vực này. Chúng tôi rất phấn khởi, nhưng vẫn chưa biết khi nào việc này sẽ được thực hiện”. Trong thời gian chờ đợi doanh nghiệp khảo sát, người dân chỉ có thể tự bảo vệ mình và cầu mong đừng gặp sự cố bục, bể đường ống nước hay mất đồng hồ nước.

Tin cùng chuyên mục