Biến rác thành tiền

Nghiên cứu vì môi trường sống

Gần đây bà con khu phố 4, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TPHCM xôn xao và lấy làm lạ khi có một cô bé hàng xóm cứ lân la “canh me” nhà nào có than tổ ong xài rồi (xỉ than) là xin về chế tạo gạch. Cô bé đó là Nguyễn Thị Hồng, sinh viên Đại học Ngoại thương TPHCM. Ý tưởng “Tận dụng than tổ ong đã qua sử dụng để sản xuất gạch không nung” của Hồng là một trong 12 dự án được tuyển chọn của chương trình “Tuyển chọn Đại sứ môi trường Bayer 2011”.

Nghiên cứu vì môi trường sống

Nhiều lần chứng kiến những cục than tổ ong đã qua sử dụng (hay còn gọi là xỉ than) bị vứt bừa bãi vừa mất mỹ quan đô thị lại gây ô nhiễm môi trường khiến cô sinh viên Trường ĐH Ngoại thương không khỏi băn khoăn. Hồng kể: “Nhiều lần quan sát, thấy xỉ than có kết cấu khá chắc chắn, giống những viên gạch vậy là tôi nảy ra ý tưởng dùng những thứ tưởng chừng như bỏ đi này để tạo ra gạch. Những viên gạch đất nung ô nhiễm môi trường, tốn kém tài nguyên đã dần được thay thế bằng gạch không nung thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, tôi thấy gạch không nung hiện nay chủ yếu được sản xuất từ nguồn nguyên liệu thiên nhiên như đất, cát, xi măng… Điều này cũng dẫn đến nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt.  Hiện nay, nhiều gia đình, hàng quán vẫn sử dụng than tổ ong để nấu nướng. Nếu tận dụng được nguồn than tổ ong đã qua sử dụng để tái sản xuất sản phẩm khác thì ngoài bảo vệ môi trường sẽ thu về thêm một khoản tiền không nhỏ”. Hồng cho biết thêm, xỉ than tổ ong không những có thể thay thế vai trò của cát mà còn góp phần làm tăng độ chịu lực của gạch không nung.

Được sự hỗ trợ của Ths Phạm Tuấn Nhi, Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích thí nghiệm và công nghệ khoáng, Viện Địa lý tài nguyên TPHCM, Hồng đã tiến hành thí nghiệm để chứng minh tác dụng của xỉ than khi làm gạch. Ban đầu, Hồng dùng máy nghiền để tạo xỉ nhuyễn, rồi dùng các chất phụ gia như xi măng PCB 40, cát, nước… được phối trộn với nhau theo tỷ lệ riêng để ép thành gạch. Sau nhiều lần thử nghiệm, những viên gạch được đem ra để xác định cường độ nén. “Kết quả đem lại không ngoài dự đoán, các mẫu gạch chứa xỉ có cường độ chịu lực lớn hơn hoặc bằng mẫu không chứa xỉ. Điều này chứng minh rằng, xỉ than tổ ong có thể sử dụng để làm gạch không nung. Vừa giảm chi phí, vừa tăng chất lượng gạch và bảo vệ môi trường”, Hồng chia sẻ.

Giải bài toán kinh phí

Tuy nhiên, điều khiến Hồng quan tâm nhất là tìm nguồn kinh phí để đưa ý tưởng này vào thực tiễn. Hồng cho biết sẽ tuyên truyền, quảng bá sản phẩm trên các diễn đàn, mạng xã hội, tham gia hội chợ triển lãm… “Hiện nay, thị trường gạch không nung còn nhiều tiềm năng mở rộng, vì đây là loại vật liệu mới, thân thiện với môi trường, đã, đang và sẽ được Chính phủ khuyến khích sử dụng phổ biến. Sau khi được giới thiệu trên một số trang báo, đã có nhiều nơi gọi điện về sẵn sàng cung ứng nguồn than đã qua sử dụng nên tôi không lo về nguồn nguyên liệu”, Hồng vui vẻ chia sẻ.

Hiện tại, đề tài nghiên cứu của Hồng đang phải dừng lại bởi thiếu nguồn kinh phí thuê chuyên gia thẩm định và hướng dẫn chọn lựa các mẫu gạch với phần trăm nguyên liệu tốt nhất. Theo Hồng tính toán, do đề tài cơ bản đã thành công trong phòng thí nghiệm, nên việc còn lại chỉ là tìm kiếm nguồn tài trợ để nghiên cứu sâu hơn và triển khai sản xuất đại trà sản phẩm, giai đoạn này cần khoảng 25 triệu đồng. Tiếc là sau khi tham gia cuộc thi Ý tưởng sang tạo trẻ đến nay, tôi vẫn chưa liên lạc được với bất kỳ doanh nghiệp sản xuất gạch không nung nào trên địa bàn TP. “Nếu được, tôi sẵn sang chuyển giao công nghệ gạch không nung cho bất kỳ doanh nghiệp nào chịu bỏ khoản tiền trên để phục vụ nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm”, Hồng cho biết.

Vấn đề kinh phí luôn là nút thắt đối với các nghiên cứu của người trẻ hiện nay. Nhiều đề tài phải dừng lại trên giấy hoặc bị lãng quên trong phòng thí nghiệm bởi không đủ khả năng đầu tư sản xuất đại trà. Tuy nhiên, Hồng vẫn hy vọng sẽ có vài doanh nghiệp để mắt tới nghiên cứu mới này, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường lại vừa có công nghệ sản xuất gạch với chất lượng không thua gạch nung hiện có mặt trên thị trường.

Thanh Nguyễn

Tin cùng chuyên mục