Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh: Nhân dân là sức mạnh cội nguồn của quân đội ta

Bên lề hội thảo khoa học “Quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng” diễn ra ngày 2-12, tại tỉnh Cao Bằng, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có cuộc trao đổi với báo chí về bản chất, nhiệm vụ của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong tình hình mới của đất nước.* Phóng viên:

Bên lề hội thảo khoa học “Quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng” diễn ra ngày 2-12, tại tỉnh Cao Bằng, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có cuộc trao đổi với báo chí về bản chất, nhiệm vụ của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong tình hình mới của đất nước.

* Phóng viên:
Xin bộ trưởng cho biết đôi nét về sự trưởng thành của quân đội ta trong 70 năm qua?

* Bộ trưởng PHÙNG QUANG THANH: 70 năm qua, quân đội ta từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến mạnh và đã trưởng thành, gắn bó ruột thịt với sự phát triển, đi lên của đất nước. Cùng với nhân dân, quân đội ta đã chiến đấu giành độc lập, thống nhất đất nước và bây giờ đang tiếp tục là nòng cốt bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, bảo vệ môi trường hòa bình, tích cực hội nhập với quốc tế của đất nước.

* Bộ trưởng nghĩ như thế nào về việc quân đội Việt Nam được hình thành từ dân, do dân, vì dân mà chiến đấu?

* Quân đội ta trưởng thành được là nhờ nhân dân. Sức mạnh cội nguồn của quân đội ta là từ nhân dân. Nhân dân đã sinh ra, nhân dân chở che, nhân dân đùm bọc, nuôi dưỡng và bảo vệ quân đội trong suốt 70 năm qua. Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng chiến đấu vì nhân dân, vì độc lập tự do của đất nước, vì hạnh phúc của mỗi người dân. Đó cũng là bản chất cách mạng của quân đội ta, bắt nguồn từ lòng yêu nước, từ truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc, do nhân dân đùm bọc và sự lãnh đạo của Đảng.

* Trong bối cảnh tình hình quốc tế ngày càng phức tạp, theo bộ trưởng, quân đội ta tiếp tục phát huy những truyền thống tốt đẹp như thế nào?

* Tình hình đất nước trong giai đoạn tới, bên cạnh những thuận lợi là cơ bản thì đất nước chúng ta cũng gặp những khó khăn, thách thức. Đó là vấn đề bảo vệ chế độ chính trị, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Đó còn là những khó khăn khi đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế. Trước tình hình đó, quân đội ta phải phát huy những bản chất cách mạng của mình. Đó là phải tự lực, tự cường, phải độc lập, tự chủ và phát huy truyền thống yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội. Chúng ta phấn đấu để quân đội ngày càng vững mạnh về cả chính trị, tư tưởng, tổ chức, và cả trang thiết bị; đặc biệt, luôn luôn trung thành với Đảng, với Nhà nước, với nhân dân; cùng lực lượng Công an nhân dân làm nòng cốt, với toàn thể nhân dân tạo nên sức mạnh tổng hợp trong việc bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ sự độc lập, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, biên giới, hải đảo của đất nước; tạo môi trường hòa bình để phát triển đất nước, thực hiện thành công công cuộc đổi mới đất nước.

* Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội nêu ý kiến chúng ta nên đầu tư thêm ngân sách để tăng cường năng lực quốc phòng trước tình hình phức tạp trên biển Đông hiện nay. Xin bộ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này?

* Những đề xuất của các đại biểu Quốc hội cũng như mong muốn của nhân dân về việc Đảng và Nhà nước tiếp tục đầu tư ngân sách để tăng việc sản xuất, mua sắm các vũ khí, trang bị hiện đại để làm nòng cốt cho việc bảo vệ đất nước là những đề xuất, nguyện vọng hết sức chính đáng, hết sức cần thiết và có thể nói rằng là cấp thiết. Nhưng chúng ta đều biết, ngân sách đất nước còn hạn hẹp và phải tập trung đầu tư cho nhiều lĩnh vực khác, như việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, vấn đề đầu tư nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề đảm bảo đời sống cho nhân dân, chính sách cho người có công, thương binh, liệt sĩ, đó còn là đầu tư cho sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa...

Vì vậy, việc đầu tư cho quốc phòng cũng phải căn cơ, từng bước, phù hợp với tình tình thực tiễn, khả năng của đất nước. Bây giờ chúng ta thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược, đó là xây dựng và bảo vệ đất nước. Tất nhiên, không xem nhẹ nhiệm vụ nào, nhưng nếu tập trung, đầu tư quá nhiều cho nhiệm vụ bảo vệ đất nước thì sẽ thiếu đi nguồn lực cho việc xây dựng và phát triển đất nước. Chính việc đầu tư cho phát triển đất nước, thì sau này chúng ta sẽ có nguồn lực để đầu tư cho quốc phòng.

* Người dân rất quan tâm đến khả năng phòng thủ, bảo vệ biển đảo trong tình hình hiện nay. Là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng có thể nói về vấn đề này như thế nào?

* Việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước thì Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định là theo đường lối hòa bình. Tức là sử dụng các biện pháp chính trị lẫn ngoại giao, rồi pháp lý theo Công ước Luật Biển quốc tế. Chúng ta cùng các nước liên quan đến biển Đông đã tham gia ký DOC để cùng nhau thực hiện những thỏa thuận đã có, tiến tới xây dựng và ký kết được bản COC giữa các nước ASEAN với Trung Quốc, tức là Quy tắc ứng xử trên biển Đông. Với mục đích là giữ được môi trường hòa bình, môi trường chính trị ổn định, để tiếp tục phát triển đất nước.

* Xin cảm ơn bộ trưởng!

TRẦN LƯU (ghi)

Tin cùng chuyên mục