Sau Nghị định 683 của Chính phủ Nga

Các chợ bán lẻ của người Việt đóng cửa

Các chợ bán lẻ của người Việt đóng cửa

“10 ngày rung chuyển... cộng đồng!” – ông H., một thành viên lãnh đạo Hội người Việt Nam tại Nga, đồng thời cũng là nhân vật cốt cán của Hội Doanh nghiệp Việt Nam ở Nga, nhận xét nửa đùa nửa thật như vậy, khi cùng chúng tôi “sơ kết” hoạt động kinh doanh của bà con người Việt trong mấy ngày đầu, sau khi những luật lệ mới của Nga về nhập cư lao động và bán lẻ ở chợ có hiệu lực (15-1-2007).

Các chợ bán lẻ của người Việt đóng cửa ảnh 1
Một quầy bán quần áo của người Việt ở chợ Vòm.

Đúng là cộng đồng người Việt ở xứ Bạch Dương đang trong tâm bão. Khắp Liên bang Nga có hơn 100.000 người Việt, phần đông làm nghề buôn bán quần áo ở các chợ.

Riêng một vùng xa thủ đô và lạnh giá như Viễn Đông cũng có hơn 3.000 người. Saint Petersburg, Ekaterinburg, Pyatigorsk... mỗi nơi đều có trên 1.000 bà con.

Thủ đô Mátxcơva, với mật độ 13.000 dân/km2 và mỗi ngày đón không dưới 3 triệu khách vãng lai, cũng có hàng chục ngàn người Việt ở chợ Vòm và nhiều điểm buôn bán lớn nhỏ khác.

Ngoài ra, “ăn theo” đội quân bán hàng rất đông đảo là lực lượng “chuyên ngành”, như kinh doanh thực phẩm châu Á, môi giới thuê nhà ở, làm thủ tục giấy tờ tùy thân, sửa xe, cắt tóc gội đầu... Cả một guồng máy hoạt động khá nhịp nhàng nhiều năm qua đã bị chấn động dữ dội vì cái nghề mưu sinh chính của cộng đồng người Việt ở Nga – bán hàng ở chợ - đã bị hạn chế và sẽ bị cấm!

Trong số những luật lệ của Nhà nước Nga vừa được triển khai thực hiện có 2 văn bản tác động mạnh nhất đến người Việt: đó là luật liên bang về chợ bán lẻ và Nghị định 683 của Chính phủ quy định hoạt động của người nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ.

Từ năm 2007, người nước ngoài không được bán rượu bia và thuốc chữa bệnh; trong quý 1-2007, người nước ngoài không được vượt quá 40% tổng số người bán lẻ ở chợ và từ ngày 1-4, họ sẽ bị cấm hoàn toàn.

Mặc dù những văn bản này không điều chỉnh các hình thức tổ chức bán lẻ khác (như “trung tâm thương mại”, “tổ hợp thương mại”, “cửa hàng”) nhưng Chính phủ Nga cũng đã ấn định hạn ngạch người nước ngoài đến Nga lao động trong năm nay.

Đối với các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) được miễn thị thực (trừ Gruzia và Tuốc-mê-ni-xtan) là 6 triệu người; đối với công dân những nước phải có thị thực vào Nga (như Việt Nam, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ...) là hơn 308.000 người.

Chính chế độ hạn ngạch này cũng là một rào cản dựng lên trước cộng đồng người Việt: dù tới đây các “trung tâm” và “tổ hợp” thương mại vẫn tiếp tục hoạt động thì người bán không thể đông “thoải mái” như trước, bởi chỉ những người có quyền lao động trong hạn ngạch mới được phép đứng sau quầy hàng.

Hoạt động buôn bán ở chợ của bà con người Việt bị đình đốn. Một số nơi, chính quyền địa phương thực hiện “vượt mức” Nghị định của Chính phủ, quyết định “tạm đóng cửa” những chợ có nhiều người nước ngoài buôn bán để “hoàn tất các thủ tục cần thiết” về quyền cư trú và lao động của họ. Nơi chợ vẫn hoạt động thì những người chưa được gia hạn giấy tờ cư trú và lao động trong năm 2007 đều buộc phải ở nhà để tránh bị kiểm tra, phạt nặng. Ở Mátxcơva, chợ Vòm tuy vẫn mở cửa nhưng không còn sự sôi động thường ngày nữa, bởi từ nhiều tháng qua người Trung Quốc, người Thổ Nhĩ Kỳ không “đánh” hàng sang và người các địa phương cũng gần như “quên” mất địa chỉ này. Thêm vào đó, việc chính quyền thành phố đã tái khẳng định việc giải tỏa chợ từ ngày 1-7 theo đề án quy hoạch càng làm cho triển vọng buôn bán ở đây thêm ảm đạm. Một số cơ sở buôn bán quen thuộc của người Việt, như “Sông Hồng”, “Li-ông” đã tạm ngừng hoạt động để hoàn tất thủ tục chuyển đổi đăng ký kinh doanh thành “tổ hợp thương mại”. Theo ông Nguyễn Đình Lâm, Tổng giám đốc Công ty “Sông Hồng”, chợ “Sông Hồng” đã chấm dứt tồn tại, công ty đang chờ cơ quan hữu quan cấp thành phố xem xét, cấp giấy chuyển đổi đăng ký... Để đưa “Sông Hồng” từ chợ “lên” tổ hợp thương mại, công ty đã đầu tư một số vốn đáng kể nhằm hoàn thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho phù hợp với tiêu chuẩn loại hình “tổ hợp”. “Khi “Sông Hồng” hoạt động trở lại, bà con kinh doanh ở đây có thể tạm yên tâm” – ông Lâm cho biết.

Cũng chỉ là “tạm” yên tâm, vì viễn cảnh sau ngày 1-4 rất mờ mịt.

Tuy vậy, chuyển đổi đăng ký, từ “chợ bán lẻ” thành “chợ bán buôn” hoặc “trung tâm”, “tổ hợp” hiện là biện pháp khẩn cấp duy nhất giúp cộng đồng người Việt hy vọng.

Nhưng đó không thể là một giải pháp căn cơ lâu dài. Nhiều người Việt có lẽ không có cách nào khác là phải trở về chốn cũ, vì không bám trụ được trong những điều kiện mới ở nước Nga.  

ĐỨC HÀ – gửi từ Mátxcơva

Tin cùng chuyên mục