Từ khi thực hiện Nghị quyết 49 ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, chất lượng hoạt động tư pháp đã được từng bước nâng lên, hệ thống pháp luật ngày càng được củng cố và hoàn thiện. Tuy nhiên, tại TPHCM và một số địa phương khác, tình trạng án oan sai vẫn xảy ra. Vì sao đã hơn 12 năm thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, câu chuyện án oan sai vẫn chưa có điểm dừng?
Những nguyên nhân chủ quan
Về nguyên nhân dẫn đến án oan sai, luật sư Nguyễn Thành Công (Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật) cho rằng có những vụ án do trình độ của điều tra viên hạn chế, dẫn đến vội vàng khởi tố trong khi cơ sở buộc tội chưa đủ; hoặc có thể có những vụ án thực tế đã có những hành vi có dấu hiệu phạm tội, nhưng trong quá trình thu thập chứng cứ và quá trình điều tra, do nghiệp vụ lẫn sự vội vàng mà điều tra viên đã không thực hiện đủ các quy trình. Từ đó việc chứng minh hành vi phạm tội không đủ cơ sở. Hậu quả là xảy ra nhiều vụ án oan, gây bức xúc trong dư luận. Theo luật sư Công, đây là chuyện khó chấp nhận. Bởi lẽ, hơn 40 năm sau ngày thống nhất đất nước, hệ thống pháp luật hình sự đầy đủ thì không thể áp dụng cái gọi là “niềm tin nội tâm” vào hoạt động điều tra, không thể buộc tội một con người mà không có cơ sở pháp lý.
Trong khi đó, lãnh đạo viện kiểm sát một quận ở TPHCM (xin không nêu tên) cho rằng bệnh thành tích và “án độ” cũng dẫn đến tình trạng án oan sai. Chẳng hạn chỉ tiêu phá án đặt ra cho ngành công an phải đạt trên 70%, trong đó trọng án phải đạt trên 90%. “Tin rằng trong vụ ông Chấn ở Bắc Giang, vụ ông Nén ở Bình Thuận, ông Chiến ở Tiền Giang, vụ Bùi Minh Hải ở Đồng Nai không có ai nhờ vả để đưa các ông vào tù, dồn các ông vào chỗ chết, nhưng từ bệnh thành tích mà phải cố gắng phá án, tìm cho bằng được tội phạm, từ đó thành án oan”, vị này nói. Tương tự, theo luật sư Vũ Lai Bằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến oan sai là do chạy theo thành tích. Ngành công an luôn đặt quyết tâm là các tội phạm xảy ra đều phải được điều tra, xử lý, lấy chỉ tiêu đó làm thành tích đánh giá hiệu quả hoạt động công tác. Đây là quyết tâm rất tốt, nhưng có thể ở nơi nào đó, vì đặt nặng trách nhiệm chứng minh tội phạm và lo lắng việc bỏ lọt tội phạm, điều tra viên sẵn sàng nghi ngờ, ép cung, bức cung, mớm cung nghi phạm. Do vậy, nếu “giải” được bệnh thành tích thì sẽ giải quyết được nhiều vấn đề; cụ thể là không nên đưa ra chỉ tiêu không phù hợp thực tế, mà chỉ nên siết tinh thần trách nhiệm của người làm công tác tố tụng.
Cũng từ bệnh thành tích sinh ra “án độ”. Qua một số vụ án oan cho thấy có sự vi phạm tố tụng, khi kết quả giám định vân tay, dấu vết, tang vật chứng... đều được dàn dựng để hợp thức hóa chứng cứ buộc tội. Tại TPHCM, vụ “Xin Chào” xảy ra ở huyện Bình Chánh là điển hình của “án độ”, thể hiện ở việc cơ quan công an “xây dựng” nên một hồ sơ, buộc ông Nguyễn Văn Tấn phạm tội “Kinh doanh trái phép” để xử lý hình sự. Luật sư Vũ Lai Bằng cũng đặt vấn đề: Đối với án bị hủy, trả về để điều tra lại, điều tra bổ sung, có khả năng vì tính bảo thủ nên cơ quan điều tra không điều tra thêm nội dung được yêu cầu để bổ sung chứng cứ buộc tội. Những vụ án này phải để cấp trên trực tiếp của cơ quan điều tra ban đầu tiến hành điều tra lại, thì mới đảm bảo tính khách quan.
Quy định pháp luật “co giãn”
Ngoài nguyên nhân từ phía con người, sự thiếu hoàn chỉnh, chưa rõ ràng của các quy định của pháp luật (cả về luật nội dung lẫn luật tố tụng) cũng góp phần dẫn đến tình trạng án oan, sai.
Theo luật sư Nguyễn Thành Công, thực tế đã có những vụ việc mà mối quan hệ dân sự đã bị hình sự hóa thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Cùng một hành vi nhưng có thể có những quan điểm, lý luận khác nhau về việc xác định đâu là quan hệ pháp luật dân sự, đâu là hành vi phạm tội. Cũng vì cách hiểu quy định pháp luật khác nhau và với cơ chế độc lập trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, dẫn đến trong giai đoạn đầu của quá trình tố tụng chỉ có cơ quan điều tra và viện kiểm sát (với chức năng kiểm sát hoạt động tố tụng của cơ quan điều tra) phối hợp với nhau; khi có cáo trạng của viện kiểm sát thì tòa án mới tham gia tố tụng, kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ trong quá trình điều tra có đúng theo quy định của pháp luật hay không, có đủ cơ sở để buộc tội hay không. Đây là cơ chế hay, nhưng vì không có sự thống nhất giữa các cơ quan tố tụng về vấn đề pháp lý nên có những lúc dẫn đến phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, điều tra lại. Từ đó, luật sư Công cho rằng cần có sự thống nhất của các ngành tố tụng (cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án) về những vấn đề pháp lý dễ dẫn đến nhiều quan điểm, nhiều cách hiểu trái ngược nhau; đồng thời cần sự đầu tư của các cơ quan tố tụng để giải thích pháp luật rõ ràng.
Án oan sai là nỗi đau về thể xác, tính mạng, uy tín danh dự của cá nhân; do vậy đòi hỏi cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án phải chặt chẽ về pháp luật khi xử lý một con người - bởi nguyên nhân chủ quan vẫn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc làm oan người vô tội. Khi đó, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ giải quyết vụ án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế thấp nhất xảy ra án oan sai.
Là người làm trong ngành tòa án nhiều năm, luật sư Vũ Lai Bằng (nguyên Thẩm phán TAND tối cao) nhận xét: Kết án oan sai một con người là hành vi chủ quan của những người tiến hành tố tụng. “Họ đã thực hiện một loạt hành vi để chứng minh một người có tội; trong khi Nhà nước không yêu cầu bất cứ cơ quan tố tụng nào (cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án) phải chứng minh một người là có tội để xử tù, vì không phải bất cứ vụ án nào cũng có thể tìm ra tội phạm. Vì sao phải gán ghép chủ quan của người làm tố tụng rằng đã có tội phạm xảy ra thì phải tìm được người phạm tội”, luật sư Bằng nói.