Cái giá của sự “nổi tiếng”

Người đời thường nói cái gì cũng có giá phải trả, được cái này thì mất cái kia, được cái kia lại mất cái này, ít khi có được cả cái này lẫn cái kia.

Người đời thường nói cái gì cũng có giá phải trả, được cái này thì mất cái kia, được cái kia lại mất cái này, ít khi có được cả cái này lẫn cái kia.

Sự nổi tiếng - âu rằng cũng không ngoại lệ, đều có cái giá phải trả khi người đã trót mang phận người có tiếng hoặc người của công chúng sẽ không bao giờ có một cuộc sống vô tư lự, sống cho riêng mình. Nhưng đó là những người nổi tiếng bằng tài năng đích thực, bằng lao động và sự sáng tạo cá nhân, được xã hội thừa nhận. Còn “nổi tiếng” theo nghĩa dàn dựng các chi tiết của một kịch bản “người nổi tiếng” để mình ăn theo sự nổi tiếng, bất chấp các quy chuẩn đạo đức, thì cái giá phải trả còn khủng khiếp gấp nhiều lần.

Mấy hôm trước, Ngọc Trinh - người được gắn mác “Nữ hoàng nội y” Việt Nam trong lễ ra mắt dự án làm phim “Vòng eo 56” đã trần tình rằng cô muốn làm một bộ phim về cuộc đời mình vì trước nay có quá nhiều thị phi, quá nhiều thông tin sai lệch về cuộc sống cá nhân. Nhưng sự bức xức của cô người mẫu này có vẻ cũng có cơ sở trước áp lực của “cỗ máy Showbiz” với động cơ truyền thông mạng đe dọa đời tư họ với quá nhiều tin đồn thất thiệt. Và có không ít dẫn chứng cho chuyện này, như cô ca sĩ trẻ Văn Mai Hương, người khá thành danh trong giới “nghệ”, đã mắc chứng trầm cảm phải hủy bỏ hầu hết các show diễn bởi sự soi mói, săn đón quá mức của giới truyền thông mạng, từ ăn gì, mặc gì, quan hệ tình cảm với ai, đến cả những chuyện tình xa lắc xa lơ đều được “công khai hóa” với những chi tiết mà nhân vật có nằm mơ cũng không nghĩ ra.

Hoặc giả mới đây, nhân vụ một cô hoa hậu bị bắt vì vướng chuyện lừa đảo tiền bạc, đất đai, có người “ăn theo” vụ án đã tung lên mạng những chi tiết mà khi… cô này chưa bị bắt tạm giam chắc không ai dám phóng tác như chuyện nửa đêm “ngày xửa ngày xưa” cô gái mảnh mai đó đã một mình gõ cửa phòng ông nhà thơ giám khảo cuộc thi hoa hậu để “tìm” vương miện. Như thế, nổi tiếng nhanh cũng nhờ truyền thông mạng mà lụi tàn nhanh cũng do mạng truyền thông. Nhưng có những chuyện được dàn dựng để người dàn dựng trở nên nổi tiếng như “sao” thì quả là hết sức phản cảm. Không có gì để biện minh cho cái gọi là “tắc trách nghề nghiệp” làm nổi sóng dư luận mấy ngày qua: vụ phát sóng phóng sự truyền hình “Áo trắng học trò chìm trong khói shisha” của VTC 14. Khoan nói đến lỗi ban đầu “là không làm mờ khuôn mặt của các em học sinh” như nhà đài thừa nhận, mà về thể loại đã quá rõ sự đánh lận con đen: một phóng sự hoàn toàn khác với clip dàn dựng, với các “diễn viên” được “gà” trước phải nói gì trước ống kính máy quay. Đến như các “sao” lão luyện còn có thể mắc chứng trầm cảm thì các em nhỏ non nớt làm sao sống được trong sự dối trá như thế?

Điều cần nói nữa là tác động kinh hoàng của mạng xã hội đối với thế hệ trẻ thời nay. Tiện ích của mạng xã hội đã quá rõ khi làm phẳng những mối quan hệ xã hội, giúp chia sẻ thông tin, chia sẻ những tâm tư mà cá nhân không biết chia sẻ cùng ai trong đời thực. Nhưng tác hại của nó còn nhiều gấp bội, khi ai cũng muốn được “nổi tiếng” như “người hàng ngàn like” trong mộng ảo. Người ta dẫn chứng chuyện bạo lực học đường bùng phát thời gian gần đây có nhiều nguyên nhân trong tương quan nhà trường - gia đình - xã hội, nhưng sự “góp sức”, “chia lửa” của mạng xã hội là không hề nhỏ.

Có thể thấy nhan nhản trên mạng facebook những clip học sinh đánh hội đồng dã man chỉ để… kịp thời tung lên mạng cho nó có đủ “like”, đủ “còm-men”. Với việc gần như học sinh nào cũng có tài khoản “phây” , từ bậc tiểu học cho đến THPT, nhiều phụ huynh hết sức bàng hoàng khi phát hiện thấy con mình tải ảnh, tải clip “nóng”, rồi tham gia những hội “kín” chia bè kết phái. Những mối quan hệ, những mâu thuẫn va chạm trên facebook với các em trở nên nhiều hơn đời thực rất nhiều. Và trách nhiệm thuộc về ai? Trước tiên và trước tiên là từ giáo dục gia đình, khi nhiều phụ huynh thường tự hào con mình đã sớm biết sử dụng “thiết bị thông minh” trước khi biết giao tiếp với bạn bè cùng trang lứa. Mà sự cảnh báo về sự phụ thuộc kỹ thuật số đã rõ trong hình thành nhân cách thế hệ tương lai. Cuối cùng, cũng cần nhắc lại rằng cha đẻ của hãng Apple, ông Steve Jobs không cho phép con nhỏ của mình sử dụng iPad, trong mỗi bữa tối, gia đình ông chỉ kể cho nhau những câu chuyện lý thú, nói về những cuốn sách đã đọc và sẽ đọc. Tuyệt nhiên không ai bấm lướt trên màn hình thiết bị số…

BÍCH AN

Tin cùng chuyên mục