Nghị quyết đặt mục tiêu đến hết năm 2021 phấn đấu lũy kế đạt ít nhất khoảng 1 triệu lượt khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, HKD được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó dịch bệnh.
Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. “Chỉ khi xuất hiện hoàn cảnh đặc biệt thì các HKD mới nhận được sự chú ý và những gì dành cho họ hiện vẫn chỉ là những chính sách ngắn hạn”, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) “tủi thân” giùm các HKD tại cuộc hội thảo công bố nghiên cứu của VEPR về HKD ngày 15-10.
Theo TS Việt, mãi cho tới cách đây vài ngày, HKD mới được thêm vào diện được nhận hỗ trợ từ gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ. Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, tính sơ bộ đến cuối năm 2019, cả nước có 5,37 triệu HKD (gấp gần 9 lần tổng số doanh nghiệp đang hoạt động cùng kỳ), đóng góp khoảng 30% GDP. Đặc biệt, đây là khu vực kinh tế đang giải quyết việc làm cho 9 triệu người. TS Việt cho rằng Chính phủ cần có những giải pháp thiết thực, mạnh mẽ và chuyên biệt hơn để giúp HKD hồi phục.
Vấn đề quan trọng không kém hiện nay đối với các HKD là họ cần có đại diện pháp lý có trọng lượng, có thể tham gia vào các chuỗi sản xuất - kinh doanh mang lại giá trị gia tăng xứng đáng với nỗ lực của họ. Bên cạnh khuyến nghị các chủ HKD chủ động tham gia các tổ chức hiệp hội, đoàn thể đã có, mô hình hợp tác xã được tổ chức lại theo hướng hiện đại cũng là gợi ý cho HKD.
Tuy nhiên, thị trường ngày càng khiến nhu cầu tham gia chuỗi sản xuất - kinh doanh trở nên bức thiết và các doanh nghiệp đầu chuỗi luôn có xu hướng lựa chọn đối tác “chính danh” với đầy đủ hóa đơn chứng từ, chứng nhận xuất xứ hàng hóa… Để tồn tại, phát triển, sẽ có một bộ phận không nhỏ HKD cần “lớn lên” thành doanh nghiệp. Đó cũng là xu hướng cần được khuyến khích bằng những hỗ trợ phù hợp, cần được ủ ấm trong những chiếc áo “may đo”.