
Bệnh nhân thứ 7 vừa chết tại Indonesia vì cúm gia cầm đã nâng tổng số nạn nhân thiệt mạng do virus H5N1 lên thành 66 người kể từ năm 2003. Lúc này, thế giới lại thêm lo ngại về khả năng bùng phát dịch cúm khi tạp chí Mỹ “Science” và tạp chí Anh “Nature” ngày 6-10 cùng đăng tải kết quả 2 cuộc nghiên cứu về virus “cúm Tây Ban Nha” (virus cúm đã khiến khoảng 40 triệu người chết trong khoảng thời gian 1918-1919).

Theo “Science”, nhóm nghiên cứu của Học viện Bệnh học quân đội ở Rockville (bang Maryland, Mỹ) đã tạo ra trong ống nghiệm loài virus của bệnh cúm năm 1918, phân tích được 5 trong số 8 gen của virus này và phát hiện thấy virus cúm gia cầm H5N1 bắt đầu xuất hiện một số thay đổi giống với những thay đổi trong các mẫu biến thể của virus cúm năm 1918. Cũng nhóm nghiên cứu này, trên tờ “Nature” đã tuyên bố sau khi phân tích 3 gen còn lại của “virus 1918” họ thấy virus truyền trực tiếp từ gia cầm sang người.
Vậy thì virus cúm gia cầm năm 2005 có biến thể thành một chủng virus có khả năng lây nhiễm giữa người và gây đại dịch giống như năm 1918? Câu trả lời là “chưa chắc” vì “tuy tìm thấy điểm chung giữa 2 loại virus nhưng vẫn còn nhiều khác biệt”.
Bằng chứng là virus cúm năm 1918 lây sang người nhưng không lây sang heo (trong khi H5N1 có thể lây sang một số loài khác như heo, ruồi, hổ, chó). Mặc dù vậy, việc khẩn cấp cần có một chiến lược toàn thế giới đối với nguy cơ bùng phát đại dịch cúm gia cầm ở người là cần thiết. Tổng Thư ký LHQ K.Annan đã chỉ định một điều phối viên về việc phòng chống cúm gia cầm.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cảnh báo sẽ có 2 đến 7,4 triệu người chết vì dịch. Tổng thống Mỹ Bush có kế hoạch sử dụng quân đội làm lực lượng đảm nhận công tác cách ly. Trong 2 ngày 6 và 7-10, Chính phủ Mỹ cũng chủ trì một cuộc họp về cúm gia cầm nhằm phối hợp hiệu quả hơn các nỗ lực quốc tế đối phó với khả năng bùng phát dịch bệnh lớn trên toàn cầu.
Dự kiến, tại hội nghị Bộ trưởng Y tế thế giới trong hai ngày 24 và 25-10 tới ở thủ đô Ottawa (Canada), các đại biểu sẽ thảo luận về chiến lược phòng chống dịch cúm gia cầm và phương thức đóng góp cho kế hoạch phòng chống cúm gia cầm của WHO.
Cúm gia cầm đã từng có ở Italia cách đây hơn 100 năm và hiện vẫn chưa đâu sản xuất được loại vaccine chống cúm gia cầm. Tuy nhiên, các nhà “virus học” cho rằng virus cúm sẽ không còn nguy hiểm nếu như loại protein HA của chúng bị thay thế. Việc có trong tay các đặc tính gen của loài virus lịch sử là mấu chốt quan trọng của nghiên cứu.
Lê Vân
(Theo Libération, El Watan)