Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, PGS-TS Trần Đình Thiên:

Cần cơ quan độc lập đánh giá hiệu quả các dự án đầu tư

ảnh
Cần cơ quan độc lập đánh giá hiệu quả các dự án đầu tư

Theo dự kiến, hôm nay 7-4 tại TPHCM, Thủ tướng Chính phủ sẽ có cuộc làm việc với lãnh đạo các tỉnh thành phía Nam về tình hình KT-XH, trong đó có việc kiềm chế lạm phát. Bàn về “thuốc” chữa lạm phát, bên cạnh việc khắc phục những bất hợp lý trong chính sách điều hành tiền tệ, PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN (ảnh) cho rằng, hai giải pháp hết sức quan trọng là siết chặt những khoản đầu tư công, chi tiêu công và thay đổi chính sách tiền lương. Ông nói:

Tôi đồng ý với phân tích của nhiều chuyên gia kinh tế về chính sách tài chính tiền tệ trong thời gian qua của Chính phủ. Có lẽ do quá nôn nóng chữa lạm phát, nên nhiều biện pháp hành chính của Ngân hàng Nhà nước (như bán 20.300 tín phiếu rồi ngay sau đó “bơm” ra 39.000 tỷ đồng…) là quá dồn dập, phần nào gây “sốc”. Rất cần bình tĩnh, kể cả phản ứng với thị trường địa ốc lẫn tiền tệ. Tuy nhiên, để hạn chế lạm phát, có một “bài thuốc” khác cũng nhằm giảm nguồn cung tiền tệ từ ngân sách ra thị trường, đó là rà soát lại các dự án đầu tư, dừng ngay những dự án chưa cần thiết và đẩy nhanh tiến độ những dự án đang triển khai dang dở.

- PV: Có sự mâu thuẫn giữa “dừng ngay” và “đẩy nhanh” trong quan điểm của ông không?

Cần cơ quan độc lập đánh giá hiệu quả các dự án đầu tư ảnh 1

PGS-TS TRẦN ĐÌNH THIÊN: Không có gì mâu thuẫn. Tôi rất mong nhân dịp này Chính phủ siết chặt công tác thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, chấm dứt kiểu phân bố dự án “rải mành mành”. Lĩnh vực cảng biển vừa qua là một ví dụ. Rồi một việc cần làm ngay nữa – mà trong cuộc họp vừa qua với các doanh nghiệp Thủ tướng đã nhắc rồi – các “ông lớn” Nhà nước cần tập trung vào lãnh địa chính của mình. Không phải cứ thấy lĩnh vực này, lĩnh vực nọ như địa ốc, dịch vụ đang “ngon” là ôm vốn thảy vào đó. Rất cần có cơ quan độc lập để đánh giá tính hiệu quả của các dự án đầu tư; mà phải làm việc này thường xuyên, liên tục, chứ không phải chỉ làm lúc này. Còn các dự án dang dở thì phải vượt khó mà làm, tập trung vốn vào đó để sớm đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội chứ không phải bỏ đó, gây lãng phí rất lớn và tác động tiêu cực đến xã hội.

- Còn chi tiêu công?

Giảm họp đi. Chi phí cho họp hành hiện nay đang rất lớn mà hiệu quả không tương xứng. Tôi biết có cơ quan chi cho họp hành trong một năm nhiều gấp 5 - 7 lần tổng quỹ lương! Việc khoán xăng xe cho cán bộ và nhiều khoản chi hành chính khác nói lâu rồi nhưng cũng chưa thực hiện triệt để. Và phải xem lại chuyện tăng lương, bởi vì chi ra thì lớn, nhưng thực sự chưa cải thiện đời sống cán bộ công chức được bao nhiêu.

- Trong cơn “bão giá” như vừa qua thì tăng lương có phải là việc cần thiết không, thưa ông?

Tăng lương là đúng, nhưng đang tăng theo kiểu chạy theo lạm phát và “cào bằng”. Cần tăng lương cho những người đang làm việc thực sự hiệu quả và mạnh dạn tinh giản những vị trí không cần thiết đi, nếu không Nhà nước vẫn phải chi ra rất lớn (lạm phát cũng trầm trọng thêm vì khoản chi này), mà việc vẫn không chạy. Bài toán này khó, mang tính dài hạn, nhưng không thể không làm. Đang đà quyết liệt dùng thuốc chống lạm phát, tôi mong vấn đề này cũng sẽ được xử lý quyết liệt.

- Xin cảm ơn ông.

Anh Phương thực hiện

Tin cùng chuyên mục