Cần làn gió mới

Ngay sau khi Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick tuyên bố rời ghế vào tháng 6 tới, dư luận bắt đầu râm ran bàn tán về người kế nhiệm ông Zoellick. Cuộc đua nóng lên khi nhiều tờ báo kinh tế - tài chính đồng loạt thể hiện quan điểm: Người Mỹ hãy “buông tay” với chiếc ghế Chủ tịch WB vốn được Mỹ nắm giữ quá lâu.

Bloomberg có bài xã luận “Tổng thống Obama nên từ chối giới thiệu ứng cử viên vào vị trí Chủ tịch WB”. Bài viết đề cập: Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc đã gần 7 thập niên, đó cũng là khoảng thời gian quá dài để người Mỹ nghĩ rằng chiếc ghế Chủ tịch WB đương nhiên thuộc về họ. Điều này được mặc định cũng như hiển nhiên vị trí Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) đến từ một nền kinh tế mạnh ở châu Âu. Theo Bloomberg, người ta lấy yếu tố kinh nghiệm để khỏa lấp những quy trình và điều kiện khác trong việc chọn người đứng đầu các tổ chức tài chính quốc tế trên. Sự sắp đặt độc quyền này chẳng khác nào sự phớt lờ đối với những quốc gia mới nổi, có tỷ lệ tăng trưởng đáng kinh ngạc như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ… Rộng hơn nữa, nó đang đi ngược với tinh thần đoàn kết quốc tế.

Trên tờ Guardian của Anh có bài phân tích “Chúng tôi cần một trật tự mới ở WB” của nhà kinh tế học người Ấn Độ Jayati Ghosh (từng nhận giải thưởng của Tổ chức Lao động quốc tế - ILO tôn vinh các thành tựu nghiên cứu về việc làm có chất lượng). Bài viết nhắc lại, khi ông Dominique Strauss-Kahn rời chức Tổng Giám đốc IMF vào năm ngoái, bà Christine Lagarde được chọn để thay thế. Điều này chẳng phải ngẫu nhiên và mọi người cũng phải chấp nhận.

Đối với chức Chủ tịch WB sắp tới, cả Tổng thống Mỹ Obama và Bộ trưởng Tài chính nước này Timothy Geithner tự tin khẳng định trước truyền thông rằng trong vài tuần tới, Mỹ sẽ đề xuất ứng viên giàu kinh nghiệm và có những tiêu chuẩn cần thiết để thay thế ông Robert Zoellick. Những cái tên được chú ý gồm: Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers (từng là cố vấn kinh tế cho Tổng thống Obama) và Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner.

Tờ UPI của Hiệp hội Báo chí thế giới dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega: “Không có lý do gì mà Chủ tịch WB phải là người Mỹ. Những nước có nền kinh tế mới nổi cũng phải có cơ hội cạnh tranh để đứng đầu những tổ chức kinh tế - tài chính quy mô toàn cầu. Chúng tôi sẽ nỗ lực loại bỏ suy nghĩ theo lối mòn của người Mỹ”.

Đại diện cho nhiều tổ chức phi chính phủ (NGO) đã gửi thư đến ban lãnh đạo WB. Trong thư có nói đến việc WB là nơi cung cấp những khoản vay nhằm thúc đẩy kinh tế cho các nước đang phát triển, đặc biệt là những nước có thu nhập thấp thông qua các chương trình vay vốn. Vì thế, người được chọn giữ vị trí cao nhất của WB cần am hiểu điều kiện các nước cần được giúp đỡ. Thay vì dựa vào tiêu chí chung của những nước vay tiền của WB thì những nước lớn lại tìm kiếm sự tập trung quyền lực thông qua những chính sách họ cho là tối ưu đối với một chiến lược kinh tế hoàn hảo.

Bài xã luận của Bloomberg kết luận, đây là lúc Mỹ và các quốc gia châu Âu thay đổi mô hình lỗi thời đã từ lâu áp đặt lên các quốc gia khác. Bình đẳng trong quan hệ đối tác chiến lược là điều mà ông Obama luôn nhấn mạnh trong các hội nghị quốc tế và nên tận dụng cơ hội thực hành điều đó từ bây giờ. 

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục