UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm và Luật Đăng ký bất động sản

Cẩn thận kẻo “hành” dân!

Ngày 25-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe và cho ý kiến về dự án Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm và Luật Đăng ký bất động sản.

Dự thảo mà Chính phủ trình quy định theo hướng điều chỉnh về nguyên tắc, thủ tục chung về đăng ký giao dịch bảo đảm đối với các loại tài sản, nhưng trong phần quy định cụ thể không bao gồm quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (sẽ thực hiện theo quy định của Luật Đăng ký bất động sản).

Về giá trị pháp lý của đăng ký giao dịch bảo đảm, Chính phủ cho rằng, giao dịch bảo đảm là một loại giao dịch dân sự, pháp luật cần tôn trọng quyền tự do cam kết, thỏa thuận của các bên theo hướng công nhận giao dịch bảo đảm có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết hợp pháp, không phụ thuộc vào việc giao dịch đó có được đăng ký hay không. Việc đăng ký không làm phát sinh thêm quyền của các bên tham gia giao dịch bảo đảm mà chỉ có giá trị pháp lý đối với người thứ 3.

Là một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam khẳng định, các ngân hàng có nhu cầu rất lớn về việc xác định thông tin chính xác về thực trạng pháp lý của tài sản mà khách hàng đem cầm cố, thế chấp… để vay vốn. Nhu cầu này cũng tồn tại trong các giao dịch dân sự với các tài sản có giá trị lớn.

“Chúng tôi rất mong muốn có một văn bản luật quy định những vấn đề này. Nhưng với nội dung dự án luật hiện nay thì tôi e là các bên liên quan đến thực hiện luật đều sẽ rất lúng túng. Đối tượng phải đăng ký chưa rõ. Những tài sản quan trọng nhất mà ngân hàng thường phải xử lý là bất động sản thì lại không quy định trong luật. Rồi những tài sản hình thành trong tương lai, hình thành từ vốn vay... luật này có điều chỉnh không?”, bà Hương nhận xét.

Về dự án Luật Đăng ký bất động sản (ĐKBĐS), Bộ trưởng Hà Hùng Cường giải thích, hiện nay các quy định pháp luật về đăng ký bất động sản còn phân tán tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, để thực hiện chủ trương thống nhất cấp “một giấy”, dự án Luật ĐKBĐS quy định một loại giấy mới có tên gọi là “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất”.

Việc cấp giấy chứng nhận nêu trên thuộc thẩm quyền của văn phòng đăng ký bất động sản, không nhất thiết phải thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, cấp huyện như hiện nay.

Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của QH về dự án Luật ĐKBĐS nhận định, cần có sự phân biệt giữa đăng ký quyền về tài sản với đăng ký giao dịch về tài sản (đăng ký giao dịch về tài sản nhằm đảm bảo an toàn pháp lý cho các giao dịch về tài sản). Hai loại hình đăng ký này là hai chế định pháp lý khác nhau, nên thẩm quyền, trình tự, thủ tục đăng ký cũng khác nhau; không thể quy định chung trong một đạo luật và do cùng một cơ quan thực hiện.

Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH cho rằng cơ quan cấp GCN QSDĐ phải là cơ quan quản lý nhà nước về đất đai (đặc biệt khi đất đai thuộc sở hữu toàn dân như ở nước ta). Hơn nữa, quy định người dân vừa phải đăng ký để được cấp GCN, vừa phải đăng ký đối với bất động sản đó thì mới được tham gia vào các giao dịch dân sự là không hợp lý, làm phát sinh nhiều giấy tờ, thủ tục, gây tốn kém, phiền hà cho dân. 

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục