(SGGP). – Tại cuộc hội thảo về viễn cảnh kinh tế toàn cầu năm 2014 được tổ chức tại Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương ngày 21-1, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, việc các nước phát triển có xu hướng thắt chặt chính sách tài chính sẽ làm tăng nguy cơ rủi ro cho những nền kinh tế mới nổi có một quá trình phát triển tín dụng “nóng” nói chung, trong đó có Việt Nam.
Theo TS Andrew Burns của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế thế giới từ nay đến năm 2016 có sự phục hồi, tuy nhiên quá trình này diễn ra tương đối chậm. Mức độ tăng trưởng toàn cầu vẫn thấp hơn nhiều so với mức độ phục hồi kinh tế thế giới trước khủng hoảng vào năm 2010. Các nước và khu vực phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu… hồi phục khá tốt, đặc biệt là Hoa Kỳ, nhưng với các nước đang phát triển thì tiến trình này có phần chậm chạp hơn và gắn với những rủi ro.
Theo dự báo của WB, tại các nước thu nhập cao, tăng trưởng sẽ có mức tăng từ 1,3% năm 2013 lên 2,2% năm nay và ổn định ở mức 2,4% năm 2015 và 2016. Trong đó, nền kinh tế Hoa Kỳ ước tăng trưởng 2,8% năm nay (năm 2013 là 1,8%), và ổn định ở mức 2,9% năm 2015 và 3% năm 2016. Tăng trưởng trong khu vực đồng euro, sau hai năm sụt giảm, dự định sẽ đạt 1,1% năm nay và 1,4% và 1,5% trong các năm 2015 và 2016. Đáng lưu ý, nhóm nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, sẽ phải chịu tác động từ những lực đối trọng tại các nước thu nhập cao. Khi kinh tế tại các nước thu nhập cao tăng trưởng, một mặt sẽ làm tăng nhu cầu hàng xuất khẩu từ các nước đang phát triển, nhưng mặt khác lại làm tăng lãi suất và làm giảm luồng vốn đầu tư.
Ông Andrew Burns đề nghị Chính phủ Việt Nam thận trọng, không nên áp dụng thường xuyên các giải pháp hành chính, vì hậu quả là rất khó dự đoán và nếu đã có hậu quả thì rất khó khắc phục; ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế.
ANH THƯ