* Sinh viên sư phạm được hưởng tín dụng ưu đãi thay vì miễn học phí
(SGGPO).- Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đã được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân trình bày, xin ý kiến UBTVQH sáng nay, 15-8.
Theo Bộ trưởng GD-ĐT, trong 50 nội dung dự kiến sửa đổi ban đầu, nay trong dự thảo trình UBTVQH, Chính phủ đã chắt lọc, cân nhắc, chỉ để lại các nội dung: Phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi; giáo trình giáo dục nghề nghiệp và giáo trình giáo dục đại học; thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ, đào tạo và cấp văn bằng có trình độ tương đương với trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ở một số ngành chuyên môn đặc biệt; thẩm quyền giao nhiệm vụ đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập trường đại học; thành lập nhà trường; công khai tiêu chuẩn chất lượng giáo dục; tên gọi của nhà giáo giảng dạy trong trường cao đẳng nghề; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý giáo dục và miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm, người theo học các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm.
Ban soạn thảo dự án Luật cho rằng, trong điều kiện kinh phí chưa đủ để phổ cập giáo dục cho nhóm trẻ 3-5 tuổi như hiện nay, việc phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi sẽ góp phần hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị tốt cho tất cả các em có điều kiện vào học lớp 1, thiết thực hướng tới nâng cao chất lượng nền giáo dục Việt Nam.
Một điểm đáng lưu ý khác theo dự thảo Luật là chính sách miễn học phí đối với người học ngành sư phạm theo quy định hiện hành được thay bằng chính sách cho hưởng tín dụng ưu đãi, nếu khi ra trường công tác trong ngành sư phạm đủ thời hạn theo quy định thì không phải hoàn trả khoản tín dụng đã vay để chi trả học phí.
Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra của UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTTN&NĐ) cho rằng, một số vướng mắc trong thực tiễn khi thực hiện Luật Giáo dục năm 2005 chưa được tháo gỡ, một số vấn đề quan trọng từng đưa vào dự thảo ban đầu, được xã hội quan tâm, thảo luận sôi nổi thì lại bị rút ra khỏi dự thảo do còn nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau. Do vậy, hầu hết các nội dung còn lại trong bản dự thảo trình UBTVQH lần này tuy rất đáng được sửa đổi, bổ sung, nhưng chưa thực sự cấp thiết. “Cần có thêm thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng để sửa đổi một cách cơ bản, toàn diện nhằm định hướng cho những cải cách mạnh mẽ, cũng như những thay đổi về chính sách quốc gia đối với giáo dục”, Chủ nhiệm UB VHGDTTN&NĐ Đào Trọng Thi thẳng thắn góp ý.
Anh Phương