
Ba năm trước đây, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định về việc hạn chế lưu thông và dừng đậu các loại xe 3 bánh, xe bán hàng rong trên địa bàn thành phố. Ban hành kèm theo là danh mục hàng trăm đoạn đường, cầu cấm xe 3 bánh, xe bán hàng rong lưu thông và dừng đậu trong giờ cao điểm. Tuy nhiên hiện nay mọi việc hầu như tái diễn như cũ.
- Nỗi ám ảnh trên đường phố
Thoạt đầu, xe ba gác chỉ phục vụ chức năng chở rau quả, cá tôm ở các chợ đầu mối, rồi sau đó “đôn nhíp, nâng thùng” chuyển công năng vận chuyển vật liệu xây dựng, đất, đá, sắt, thép… Tuy được nâng cấp “thô bạo” như vậy, nhưng hệ thống thắng, giảm tốc độ vẫn như cũ. Anh Nguyễn Ngọc Thành, nhà ở quận 2, bức xúc cho biết: “Khu nhà tôi ở gần một cái dốc. Xe ba gác máy đến khu vực này đều giảm tốc độ. Dù “bác tài” đã đạp “cháy thắng”, nhưng chiếc xe vẫn “lết” một đoạn dài. Nguy hiểm quá!”.

Cảnh sát giao thông đang giúp một bác tài xích lô bị đổ xe để giải tỏa mặt đường, phòng chống ùn tắc. (Ảnh chụp trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7).
Anh bạn đồng nghiệp của chúng tôi không ít lần than thở khi đi về nhà trên đường Lý Thường Kiệt: “Di chuyển trên tuyến đường này, tôi có cảm giác ớn lạnh sau lưng. Mấy ông “ba gác” chở sắt tua tủa phóng ào ào trên đường. Dừng đèn đỏ mà cứ hồi hộp với mấy miếng tôn như “chồm chồm” vào lưng mình. Chở hàng cồng kềnh như vậy, nhưng sao ít thấy CSGT xử lý!”.
Không ít lần người viết bài này đã chứng kiến cảnh mấy anh CSGT bỏ chốt lao xuống đường đẩy mấy chiếc ba gác bị “chết máy” để giải phóng mặt đường trong giờ cao điểm. Không những gây nguy hiểm trên đường phố, xe ba gác máy còn gây tiếng ồn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của nhân dân. Các loại xe ba gác, xích lô máy có tiếng nổ bành bành từ ống bô phát ra kèm theo làn khói đen khét lẹt.
Trong 6 tháng đầu năm 2005, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 16 vụ tai nạn giao thông do xe 3 bánh các loại gây ra, làm chết 10 người và bị thương 9 người. Sau khi có chủ trương hạn chế lưu thông các loại xe 3 bánh, số vụ bắt giữ loại xe này tăng nhanh. Sân kho lưu giữ xe ba bánh trên Dương Bá Trạc rộng hơn 1.000 m2, nhưng hình như quá tải. Xe ba gác các loại chất chồng cao gần tới tòa nhà 3 tầng.
Theo Thượng tá Võ Văn Vân, Phó Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hồ Chí Minh: “Cứ vài tháng đơn vị lập hồ sơ chuyển Sở Tài chính yêu cầu thanh lý. Nhưng, số xe vi phạm vẫn còn nhiều. Hiện chúng tôi chưa thống kê đã có bao nhiêu xe bị thanh lý từ trước tới nay. Chỉ trong vòng 20 ngày của tháng 3 năm 2005, cao điểm Phòng CSGT thực hiện chuyên đề xử lý xe 3 bánh lưu thông đường cấm, khu vực cấm, chúng tôi đã kiểm tra phát hiện và xử lý 470 trường hợp vi phạm; tạm giữ 72 xe ba gác máy, 65 ba gác đạp, 14 xích lô máy, 104 xích lô đạp. Hầu hết các xe vi phạm đều không có giấy tờ!”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết Phòng CSGT đã ngưng cấp giấy đăng ký từ năm 2000. Tính đến tháng 5-2005, Phòng CSGT đang quản lý 6.305 xe ba bánh gắn máy (tính luôn xe lam); trong đó có 903 xe ba gác các loại. Nhưng thực tế con số đó lớn hơn nhiều khi còn hơn 50% xe ba bánh gắn máy không có biển số đang lưu thông thoải mái trên các tuyến đường.
- Sẽ mở rộng các tuyến đường cấm
Việc đóng thùng, làm đồng và “gác” máy để cho ra đời một chiếc xe ba gác mới khá dễ dàng đối với hàng loạt tiệm sửa xe, tiệm sắt trên đường Hùng Vương, Ba Tháng Hai, Bà Hom, Tỉnh lộ 10 (quận Bình Chánh)… Cũng là xe gắn máy, nhưng xe 2 bánh chỉ cần gắn bô giảm thanh, đôn dên, xoáy nòng thậm chí đổi niền đúc là bị công an xử phạt; còn xe ba gác máy thì thoải mái cơi nới thêm thùng, đôn nhíp để chở nhiều hàng hóa đang chạy nhan nhản trên đường phố. Hiểm họa từ xe ba gác máy đã được xác định từ bao năm nay nhưng vẫn cứ tồn tại với xu thế bung ra ngày càng phức tạp hơn.
Kể từ khi Quyết định 1413 có hiệu lực, lực lượng CSGT đã phát hiện xử lý hàng ngàn trường hợp xe ba bánh vi phạm. Bẵng đi một thời gian dài, việc xử lý đã có phần “nới tay” và tình trạng xe ba bánh gắn máy lưu thông vào đường cấm, giờ cấm đang diễn ra khá phổ biến.
Nhiều người dân bức xúc tâm sự: “Ít khi nào thậm chí không khi nào chúng tôi thấy công an xử lý xe ba gác. Trong khi việc vi phạm thì lồ lộ ra đó. Nào là chở hàng cồng kềnh, nguy hiểm; nào là ồn ào; rồi không biển số đăng ký. Hình như việc xử lý xe gắn máy và ô tô vi phạm dễ dàng và đơn giản hơn xe ba gác nhiều!”. Được biết Phòng CSGT đang đề nghị UBND thành phố mở rộng hành lang, các tuyến đường liên quận cấm xe 3 bánh, xe bán hàng rong lưu thông cũng như dừng đậu trong giờ cao điểm.
Như vậy, hành lang lưu thông của xe 3 bánh sẽ thu hẹp nhiều. Tuy nhiên, nếu cơ quan chức năng lơ là, không xử lý nghiêm và kiên quyết thì tình hình xe 3 bánh lưu thông trái phép vẫn tiếp diễn. Mặt khác việc chuyển đổi ngành nghề đối với các đối tượng đang hành nghề chạy xe 3 bánh cũng cần sự hỗ trợ của địa phương và thành phố. “Khai tử” một loại phương tiện là điều không dễ dàng và giải pháp kiểm soát chặt chẽ được xem là tối ưu nhất hiện nay.
ĐOÀN HIỆP