
Tuần rồi, nhiều người dân bỗng nhiên kéo đến Nhà thờ Đức Bà để coi “Đức mẹ khóc”. Ai cũng biết, Đức mẹ là bức tượng bằng đá hoặc loại vật liệu xây dựng giả đá, do con người tạo ra, được đặt trong khuôn viên quảng trường Vương cung Thánh đường. Và ai cũng biết, đã là đá hoặc bê tông thì không thể… khóc. Ngay cả những người yêu quý, tôn sùng Đức mẹ cũng hiểu điều đó là… hoang đường, là tin đồn bịa đặt.
Thế nhưng, người ta vẫn đổ đến xem, cả trí thức và bình dân, cả người TP và các tỉnh lân cận, cả những người chưa một lần đặt chân lên Sài Gòn lẫn những người vẫn qua lại nhìn thấy Đức mẹ hàng ngày. Vì sao vậy? Trước hết, là vì tính hiếu kỳ – thích tìm hiểu những cái khác lạ. Hiếu kỳ là một thuộc tính tự nhiên của con người. Cái gì khác với bình thường là… lạ. Cái gì lạ là… xem! Cái gì nhiều người xem (chắc là lạ) thì mình cũng cần được xem. Đi đường, thấy nhiều người túm tụm vào một chỗ nào đó dù, chẳng liên quan gì, chẳng có nhu cầu gì, cũng dừng lại, hỏi xem hoặc phải chen vào ngó một chút.

Tương tự, khi nghe tin đồn “Đức mẹ khóc…”, thì dù biết đó là tin thất thiệt người ta cũng vẫn muốn đến xem nó ra làm sao. Chính vì khai thác được tâm lý này mà một số kẻ có máu làm ăn chụp giật đã nhanh chóng tìm thấy cơ hội hốt bạc: chụp hình và xử lý vi tính sao cho thật giống nước mắt rồi cho in ra bán với giá cắt cổ: 10.000-30.000 đồng/tấm.
Kể ra, tính tò mò, hiếu kỳ của con người không phải là xấu, nếu không gây ra những hệ quả đáng buồn: một đám đông tụ tập tự phát là nguyên nhân trực tiếp cản trở lưu thông, dẫn đến kẹt xe, tắc đường, làm hệ lụy cho nhiều người khác; một đám đông tự phát không có người kiểm soát an ninh trật tự rất dễ là môi trường lý tưởng cho bọn trộm cắp, giật dọc, lừa gạt. Và khi đó, người hiếu kỳ lại trở thành nạn nhân…
Nhưng đáng trách hơn là những kẻ lợi dụng tính hiếu kỳ của người khác để trục lợi. Trực tiếp thì bán ảnh, móc túi, giữ xe quá giá. Sâu xa hơn là những kẻ cơ hội chính trị, những kẻ có tư tưởng chống đối, phản động muốn lợi dụng để kích động, giật dây, gây mất trật tự xã hội nhằm “đục nước béo cò”.
Điều cần lưu ý mọi người là cần cảnh giác với sự nhẹ dạ cả tin của chính mình. Trong những người phao tin, đưa tin, bao giờ cũng có kẻ trục lợi, nhẹ thì “làm dịch vụ” – đưa đón, hướng dẫn, bán ảnh và… móc túi. Thâm độc hơn là đồn thổi thêu dệt nhằm biến một chuyện ngẫu nhiên thành “sự kiện” làm hoang mang tâm lý dân chúng, và qua đó làm mất ổn định xã hội.
Trách nhiệm của chính quyền là tìm kiếm lôi ra ánh sáng những kẻ xấu đó. Và chắc chắn, dù chúng hành động với động cơ nào, cũng sẽ bị xử lý theo đúng pháp luật. Tuy nhiên, sự cảnh giác luôn giúp ích cho mọi người trong xử lý tình hình và thông tin, không bị lừa gạt. Cảnh giác không bao giờ thừa.
Bà con mình, dù theo đạo Thiên Chúa, đạo Phật hay Cao Đài, Hòa Hảo… cũng là đồng bào, là công dân của nước Việt Nam hòa bình thống nhất; đang được sống trong một đất nước yên bình và phát triển ổn định. Do vậy, điều quan trọng hơn cả là phải biết giữ gìn sự yên bình, phát triển ổn định đó cho mỗi người, cho mỗi gia đình, cho cả đất nước như giữ gìn “con ngươi của mắt mình”.
Trung Tâm