
Chiến tranh đã qua đi từ lâu, song với những người vợ liệt sĩ, nỗi đau mất chồng vẫn còn đó. Với đức tính cần cù, chịu khó và tấm lòng thủy chung, những người vợ liệt sĩ ấy không chỉ hoàn thành việc nước, mà còn lập nên chiến công tuyệt vời trong việc nhà: xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dưỡng con cái thành đạt.
Kể lại sự hy sinh anh dũng của người chồng thân yêu đã xảy ra cách đây 36 năm, bà Vũ Thanh Hiền, vợ liệt sĩ Trần Văn Chớn vẫn không ngăn nổi dòng nước mắt. Với bà, cái chết của chồng như mới ngày hôm qua. Bà giãi bày: “Sau khi chồng tôi hy sinh, tôi vẫn sống chung với cha mẹ chồng và nuôi con. Mẹ chồng tôi có tới 3 người con là liệt sĩ (sau giải phóng được Nhà nước phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng) nên thông cảm và luôn động viên tôi phải biết nén đau thương để tiếp tục sống và chiến đấu”.

Bà Vũ Thanh Hiền chăm sóc hoa phong lan.
Từ ngày chồng hy sinh, bà Hiền vừa nuôi con, vừa thay chồng cầm súng chiến đấu, làm giao liên và đào hầm nuôi giấu bộ đội. Bà đã lập nhiều thành tích trong công tác, vì vậy, năm 1968, bà vinh dự được kết nạp vào Đảng CSVN. Bà tâm sự: “Nhờ tham gia cách mạng, tôi trưởng thành lên rất nhiều. Tên thật của tôi là Võ Thị Lùn, vì thấy tôi hiền quá, anh em trong đơn vị đặt cho tôi cái tên Vũ Thanh Hiền từ dạo ấy cho đến tận bây giờ…”.
Trả lời câu hỏi: Lúc chồng hy sinh, bà còn rất trẻ sao không đi thêm “bước nữa”, bà Hiền mộc mạc đáp: “Phần vì thương con còn nhỏ, phần vì nhớ chồng không nguôi, cộng với công việc bận rộn quanh năm, nên ít nghĩ đến bản thân mình...”. Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, người người chạy ra đường reo vui, riêng bà cứ mặc cho nước mắt tuôn trào...
Hơn ai hết, bà thấm thía cái giá phải trả cho ngày toàn thắng, rồi bà được phân công làm Phó Chủ tịch UBND xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, lãnh đạo nhân dân xây dựng cuộc sống mới. Việc nước, việc nhà gánh nặng hai vai, nhưng bà vẫn dành thời gian nuôi dạy con nên người. Không phụ lòng mẹ, con trai bà là Trần Minh Thuận đã thi đậu vào Đại học Bách khoa và nay đã là người thành đạt.

Bà Lê Thị Rai vẫn ngồi đan liếp như xưa...
Căn nhà của bà Lê Thị Rai, 69 tuổi, vợ liệt sĩ Hồ Văn Diêm ở ấp 4 xã Phước Vĩnh An huyện Củ Chi nằm giữa vườn cây trái sum sê. Bà Rai cho biết: “Ngày trước, nơi đây là vùng đất trắng, đến ngọn cỏ cũng không sống nổi vì bom đạn giặc...”. Ánh mắt bà Rai bỗng buồn vời vợi khi nhắc lại quá khứ bi tráng, nơi đó có cả hình bóng người chồng thân yêu đã ra đi mãi mãi.
Bà tâm sự: “Sau chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, bị thua đau, địch điên cuồng trả thù. Chồng tôi cùng đồng đội bám đất, giữ làng. Ông đã chiến đấu và hy sinh trong một trận càn, đồng đội cho biết địch thả hơi cay xuống địa đạo nên khi tìm thấy, xác ông vẫn còn trong tư thế ôm súng chiến đấu...”. Nỗi đau mất chồng khiến bà tưởng như ngã quỵ, nhưng nhìn 5 đứa con thơ sớm mất cha, bà gượng đứng dậy thay chồng tiếp tục hoạt động cách mạng.
Bà bảo: “Sống trong cảnh o ép, kẻ thù rình rập hàng ngày, đau buồn không dám khóc, 5 đứa con thì phải giả đò khai báo là con của ông xe lôi, xe kéo để qua mắt địch...”. Lúc chồng hy sinh, bà mới 35 tuổi, dáng vẻ còn mặn mà, có vài người đàn ông lui tới, nhưng bà đều từ chối. Với bà, người chồng thân yêu lúc nào cũng luôn bên cạnh. Bà nhớ mãi kỷ niệm lần ông bí mật về thăm đứa con út mới chào đời được hơn 20 ngày. Không ngờ đó là lần cuối cùng bà được gặp chồng…
Sau giải phóng, được sống trong không khí hòa bình, tuy kinh tế khó khăn, bà vẫn tìm cách vươn lên. Ban ngày bà giãi nắng, dầm mưa trồng rau, tỉa đậu ngoài đồng; đêm về tranh thủ đan liếp làm bánh tráng đến tận 2 giờ sáng để nuôi con ăn học. Thương mẹ, đàn con bà vừa học, vừa thay phiên nhau phụ mẹ chăn bò, cắt cỏ, tưới rau... Cả 5 người con của bà đã thành đạt, người là kỹ sư, người là giáo viên và đều đã xây dựng gia đình. Những ngày lễ Tết, giỗ chạp, con cháu bà dù bận đến mấy cũng tụ tập về sum họp đông vui…

Bà Nguyễn Thị Nga, nguyên Trưởng Công an xã Tân Thông Hội vui tuổi già cùng cháu nội.
Bà Nguyễn Thị Nga, vợ liệt sĩ Lê Hoài Dũng, nhà ở ấp Thượng, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi (được người dân quen gọi là bà Bàn) nổi tiếng là một phụ nữ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Việc nước, bà là một nữ du kích Củ Chi gan dạ trong chiến tranh và là một cán bộ nữ chủ chốt của xã và huyện. Việc nhà, bà là một phụ nữ một mình nuôi 3 con vào đại học, trong đó hai con trai lớn đậu vào Trường Đại học Y Dược TPHCM, con trai út đậu vào Trường Đại học Luật.
Bà Nga kể lại. Đang chiến đấu ở vùng ấp Thượng, bà Nga nghe tin chồng hy sinh ở vùng Đồng Dù. Bà thấy đất trời như đảo lộn, thế nhưng nhìn 3 con thơ trông cậy tất cả ở mình, bà gạt nước mắt đau thương đứng dậy tiếp tục vừa chiến đấu, vừa nuôi con. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà được phân công làm Trưởng Công an xã Tân Thông Hội huyện Củ Chi – một nữ công an xã đầu tiên.
Nhớ về quãng thời gian ấy, bà Nga tâm sự: “Không sao tả xiết nỗi gian khổ lúc đó. Tối tranh thủ thức khuya dậy sớm để chẻ nan, đan gàu, trồng rau, tưới nước kiếm thêm thu nhập; ngày ra xã công tác, công việc giữ gìn an ninh trật tự sau giải phóng cực kỳ phức tạp!”. Cây lành sinh quả ngọt, cuối cùng các con bà đều thi đậu đại học. Bà thắp nhang trước bàn thờ chồng và thầm báo tin với ông rằng bà đã hoàn thành cả việc nước lẫn việc nhà…
Vẫn còn biết bao tấm gương người vợ liệt sĩ thủy chung, nuôi con thành đạt mà không có giấy bút nào tả xiết… Chỉ biết rằng chiến công thầm lặng của họ vẫn như mạch nước ngầm trong mát chảy mãi trong lòng mạch sống hôm nay.
MINH NGỌC