Trung tuần tháng 8, Quốc hội do quân đội chỉ định đã chính thức bổ nhiệm Tư lệnh lục quân Prayuth Chan-ocha làm Thủ tướng Thái Lan. Sự kiện này không chỉ là bước ngoặt đối với tiến trình tìm kiếm hòa bình, ổn định quốc gia mà còn là sự kiện cho thấy chiến lược ngoại giao của quốc gia Đông Nam Á này sẽ thay đổi. Chính sách đối ngoại của Thái Lan giờ đây không còn nghiêng hẳn về phương Tây mà cần sự cân bằng với những quốc gia lân cận và các nền kinh tế mới nổi. Ở giai đoạn chuẩn bị tiếp nhận chức vị Thủ tướng Thái Lan, ông Prayuth Changy-ocha đã có nhiều động thái tích cực nhằm hâm nóng quan hệ với các quốc gia láng giềng. Trước tiên là củng cố quan hệ với Campuchia khi hoan nghênh các lao động Campuchia trở lại Thái Lan làm việc sau thời gian hồi hương vì cuộc đảo chính. Với Myanmar và Việt Nam, Thái Lan cũng đã chủ động tìm kiếm sự ủng hộ bằng những đề xuất hợp tác hải quân, quốc phòng. Đầu tháng 7, Đại tướng Thanasak, Tư lệnh quân đội Thái Lan đã đến Ấn Độ để thảo luận với người cùng cấp về hàng loạt hợp tác quân sự giữa hai nước. Ông Thanasak nhấn mạnh muốn cùng Ấn Độ thúc đẩy một châu Á phát triển về mọi mặt. Với Trung Quốc, một trong những nền kinh tế mới nổi của khu vực châu Á, chính quyền quân sự Thái Lan cũng đã nhận được sự ủng hộ và lời đề nghị hợp tác lâu dài. Bắc Kinh nhanh chóng thảo luận triển khai tuyến đường sắt nối liền hai nước Trung Quốc và Thái Lan. Chính quyền này còn đề nghị trao cho Bangkok cơ hội trở thành một thành viên sáng lập của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). AIIB là một phần trong chiến lược mà Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) muốn tận dụng để làm suy yếu, thay thế vị thế độc tôn của các quốc gia phương Tây đối với việc thống trị và kiểm soát Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Cuộc đảo chính quân sự của Thái Lan với nhiệm vụ hàng đầu là tái thiết đất nước, chấm dứt bạo lực và xung đột chính trị ảnh hưởng đến đời sống người dân, ảnh hưởng xấu đến kinh tế đất nước. Cuộc đảo chính này đã bị các nước phản đối gay gắt, nhất là Mỹ, quốc gia bấy lâu ủng hộ cho chính quyền của gia tộc Shinawatra. Khi tình hình chính sự Thái Lan căng thẳng nhất vào tháng 5 vừa qua, Bộ Ngoại giao Thái Lan đã triệu tập Đại sứ Mỹ tại Bangkok, ông Eric John, để bày tỏ sự bất bình về việc Washington cố can thiệp vào chính trường Thái Lan. Trước đó, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, ông Kurt Campbell, đã tổ chức một cuộc gặp với những nhân vật quan trọng trong nhóm ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin, những người mà chính quyền Thái Lan cho là các đối tượng đang tìm cách lật đổ chính phủ bằng biểu tình có vũ trang. Thái Lan đã thẳng thắn bày tỏ sự thất vọng với phản ứng của Mỹ. Sở dĩ, Mỹ sốt sắng trước cuộc đảo chính của Thái Lan là vì cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra từng cử binh sĩ quân đội Thái Lan đến trợ giúp phương Tây tham chiến ở Iraq. Ông Thaksin cũng cho phép Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA) sử dụng lãnh thổ Thái Lan để thực hiện hàng loạt cuộc diễn tập. Ông có mối quan hệ rất tốt với nhiều doanh nghiệp Mỹ. Vì thế, lợi ích bổ trợ mà đôi bên dành cho nhau là điều mà Washington hiểu rõ và muốn duy trì.
Không dùng sức mạnh quân sự, thay vào đó là cách tiếp cận mềm dẻo, chính quyền quân sự Thái Lan đang từng bước chứng tỏ nền chính trị Thái Lan đang trải qua một cuộc chuyển mình có định hướng rõ ràng. Cân bằng giữa Đông và Tây là điều quan trọng nhất mà chính quyền mới ở Thái Lan cần để không bị phụ thuộc vào bất cứ bên nào, tránh được những ảnh hưởng chính trị phát sinh về sau.
NHƯ QUỲNH