Chiến lược số hóa ngành công nghiệp dịch vụ

Theo đài KBS, Bộ Kế hoạch và Tài chính Hàn Quốc vừa công bố Chiến lược số hóa ngành công nghiệp dịch vụ nhằm thúc đẩy dịch vụ kỹ thuật số ở 5 lĩnh vực đi đầu, giúp nâng cao sự tiện lợi trong cuộc sống hàng ngày và tăng cường năng lực cạnh tranh công nghiệp.
Dữ liệu thời gian thực về mực nước, chất lượng nước sông (được hỗ trợ bởi công nghệ Digital Twin) tại TP Jeonju, tỉnh Bắc Jeolla, Hàn Quốc
Dữ liệu thời gian thực về mực nước, chất lượng nước sông (được hỗ trợ bởi công nghệ Digital Twin) tại TP Jeonju, tỉnh Bắc Jeolla, Hàn Quốc

Các lĩnh vực nằm trong chiến lược gồm: vận tải và phân phối hàng hóa; tài chính; an toàn; hành chính và giáo dục. Những lĩnh vực này được tích hợp kỹ thuật số với mọi ngành công nghiệp như chế tạo, dịch vụ.

Ở lĩnh vực vận tải, phân phối hàng hóa, Chính phủ Hàn Quốc sẽ từng bước áp dụng dịch vụ hướng dẫn xe buýt siêu chính xác, hiển thị và cung cấp vị trí, thông tin di chuyển theo thời gian thực của các chuyến xe buýt tại những khu vực có tần suất xe chạy ít. Chính phủ nước này cũng sẽ xúc tiến cơ chế hợp tác giữa các nền tảng và chính quyền địa phương để người tiêu dùng có thể đặt hàng các loại bia thủ công sản xuất bằng lúa mạch địa phương bằng ứng dụng đặt hàng trực tuyến…

Trong lĩnh vực tài chính, Seoul sẽ mở rộng quan hệ đối tác với các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán nhanh của các nước như Thái Lan, Malaysia, lãnh thổ Đài Loan, để khách du lịch Trung Quốc và Đông Nam Á có thể thanh toán qua ứng dụng điện thoại của quốc gia mình tại các cửa hàng nhượng quyền ở Hàn Quốc. Khi đó, dịch vụ xác nhận thông tin hộ chiếu sẽ được liên kết cùng với dịch vụ thanh toán nhanh, khách hàng sẽ có thể được hoàn thuế giá trị gia tăng ngay mà không cần quét hộ chiếu.

Với lĩnh vực an toàn, chính phủ sẽ thiết lập hệ thống quản lý an toàn cho người lao động trong khu công nghiệp, giám sát các yếu tố rủi ro và đối phó ngay lập tức nhờ công nghệ Digital Twin (tạm dịch là kỹ thuật số song sinh), tái hiện một môi trường ảo tương tự với môi trường sản xuất khu công nghiệp trên thực tế. Seoul cũng có kế hoạch tăng cường quản lý thông tin thực phẩm bằng mã QR có đầy đủ các thông tin cần thiết từ giai đoạn sản xuất cho đến giai đoạn tiêu thụ cuối cùng…

Ngoài ra, còn có kế hoạch bổ sung thêm dữ liệu theo từng lĩnh vực công nghiệp đa dạng trong AI Hub - nền tảng dữ liệu công khai dùng cho mục đích học tập của trí tuệ nhân tạo (AI). Chính phủ sẽ tiến hành sửa đổi Luật Quyền sở hữu trí tuệ để thiết lập điều kiện, căn cứ miễn trách nhiệm liên quan tới xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ khi sử dụng dữ liệu học tập cho AI.

Trước đó, cuối tháng 6 vừa qua, ông Koh Jean, Chủ tịch Ủy ban Chính phủ nền tảng kỹ thuật số, cũng đã nêu sáng kiến về việc Hàn Quốc là nước đầu tiên trên thế giới áp dụng AI dành cho chính phủ, nhằm nâng cao vượt bậc chất lượng hành chính.

Ông Koh Jean giới thiệu về Trung tâm Chính phủ nền tảng kỹ thuật số (DPG), nơi tích hợp các dữ liệu và dịch vụ công - tư bằng hạ tầng đổi mới nhằm xây dựng chính phủ nền tảng kỹ thuật số. Trung tâm này sẽ tích hợp các chức năng của các dịch vụ hành chính khác nhau như Chính phủ 24, HomeTax, Bokjiro để cung cấp dịch vụ một cửa; đồng thời gộp các hệ thống nghiệp vụ của chính quyền trung ương và địa phương thay vì chia tách như hiện nay.

Ông Koh Jean kỳ vọng DPG có thể xóa bỏ hoàn toàn quy trình nộp hồ sơ dân sự cho tới năm 2026, cắt giảm chi phí lên đến 1,54 tỷ USD mỗi năm.

Tin cùng chuyên mục