Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s ngày 9-12 thông báo hãng này đang xem xét việc hạ xếp hạng tín nhiệm của Brazil xuống mức rủi ro trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới đang rơi vào suy thoái, nợ công tăng và tình hình chính trị bất ổn.
Kinh tế bất ổn
Trong thông báo của mình, Moody’s cho biết tình hình rối ren trong bộ máy điều hành nhà nước cũng như nguy cơ các chính sách có thể bị “tê liệt” ngày càng gia tăng là một trong những nguyên nhân khiến Moody’s cân nhắc quyết định hạ mức tín nhiệm của Brazil. Trước đó, hồi tháng 9 vừa qua, hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s (S&P) cũng đã xếp hạng tín nhiệm của Brazil xuống mức rủi ro vì lý do tương tự. Theo đó, S&P đã tăng mức độ rủi ro tín dụng quốc gia của Brazil đến ngưỡng “không còn hy vọng đầu tư” khi hạ xếp hạng tín nhiệm của quốc gia Nam Mỹ này xuống 1 bậc, từ BBB- xuống còn BB+ với triển vọng tiêu cực.
Tỷ lệ lạm phát đồng real của Brazil lên cao nhất trong 12 năm qua
Chính phủ Brazil ngày 9-12 cho biết, tỷ lệ lạm phát tính theo năm của nước này đã đạt con số cao nhất trong vòng 12 năm qua, lên đến 10,48%. Cơ quan Thống kê quốc gia Brazil cho biết tỷ lệ lạm phát tháng 11 đã tăng 1,01%, dẫn đến tỷ lệ lạm phát hàng năm tăng lên 10,48%. Theo đó, giá nhiên liệu tăng trong tháng thứ hai, lên 5,14% khiến giá các mặt hàng nói chung đều tăng. Giá xăng dầu tiêu dùng tăng 3,21% tương đương với 8,42% cả năm. Mặt hàng ethanol vốn được sử dụng rộng rãi như một nguồn nhiên liệu cho xe hơi đã tăng 9,31%, tương đương với hơn 26% trong cả năm. Giá lương thực trong nước tăng 2,46%, tại một số khu vực còn tăng lên đến 4,37% như tại thành phố Đông Bắc Goiana.
Nền kinh tế Brazil tiếp tục lún sâu vào suy thoái khi ghi nhận mức tăng trưởng -4,5% trong quý 3 vừa qua. Hiện Brazil đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như mức tiêu dùng sụt giảm, lạm phát tăng, đồng nội tệ real ngày càng mất giá so với USD và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng trong khi lòng tin của các nhà đầu tư giảm đáng kể do làn sóng bất ổn chính trị liên quan đến yêu cầu luận tội đương kim Tổng thống Dilma Rousseff về trách nhiệm lãnh đạo của bà đối với kết quả kiểm toán chi tiêu năm 2014 dâng cao.
Nội bộ xào xáo
Liên quan đến vấn đề luận tội tổng thống, cùng ngày, đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMDB) - liên minh chính trong nội các của bà D.Rousseff và do Phó Tổng thống Michel Temer làm thủ lĩnh, đã bãi nhiệm người đứng đầu PMDB tại Hạ viện, ông Leonaro Picciani. Nguyên nhân PMDB đưa ra quyết định trên là do ông Picciani đã cản trở phần lớn các hạ nghị sĩ của PMDB đồng ý tiến hành xét xử bà Rousseff. Ông Leonardo Quintero đã được bổ nhiệm vào vị trí của ông Picciani.
PMDB là chính đảng lớn nhất tại Brazil và là liên minh chủ chốt của đảng Lao động cầm quyền để thành lập nội các. Quyết định của PMDB được đưa ra sau khi Tòa án tối cao Brazil đình chỉ ủy ban đặc biệt của Quốc hội có nhiệm vụ xem xét tiến trình luận tội đương kim Tổng thống Rousseff về trách nhiệm của nhà lãnh đạo này liên quan tới kết quả kiểm toán chi tiêu năm 2014. Đây là đề xuất của đảng Cộng sản Brazil, theo đó, ngày 16-12 tới, Tòa án tối cao Brazil sẽ họp để xem xét quy trình mà cơ quan lập pháp muốn tiến hành để mở phiên tòa chính trị luận tội bà Rousseff.
Về phần mình, bà Rousseff tố cáo việc mở một phiên tòa chính trị xét xử trách nhiệm chống lại bà là một “cuộc đảo chính”. Trước đó, Chủ tịch Hạ viện Brazil Eduardo Cunha đã đồng ý thông qua yêu cầu đưa ra xét xử trách nhiệm chính trị của bà Rousseff vì Hiến pháp Brazil quy định một tổng thống có thể bị cách chức khi bị chứng minh có hành động vô trách nhiệm trong điều hành đất nước.
Hiện tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Rousseff đang ở mức thấp khi chỉ có 10% số người được hỏi đánh giá hoạt động của Chính phủ Brazil là tốt hoặc rất tốt. Kinh tế giảm sút kèm theo vụ bê bối tham nhũng tại Petrobras bị phanh phui từ tháng 3-2014 đã phủ bóng đen lên nhiệm kỳ thứ hai của bà và tác động tiêu cực đến triển vọng phát triển về lâu dài của Brazil.
VIỆT ANH (tổng hợp)