Quốc hội thảo luận báo cáo của các cơ quan tư pháp, bảo vệ pháp luật

Tập trung khắc phục tình trạng án đọng, thi hành chậm

Ngày 3-11, ngày làm việc thứ 11 của kỳ họp, Quốc hội (QH) đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội Lê Thị Thu Ba trình bày báo cáo thẩm tra về các báo cáo của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, các báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.

Báo cáo thẩm tra thống nhất với các báo cáo của Chính phủ, Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC về những kết quả đã đạt được, đánh giá đội ngũ cán bộ của các cơ quan tư pháp nhìn chung có ý thức công vụ tốt, có nỗ lực; song đây đó vẫn còn những cá nhân vi phạm pháp luật, có trường hợp bị truy tố hình sự.

Báo cáo kiến nghị Chính phủ, TANDTC và VKSNDTC tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện làm việc cho các cơ quan tư pháp, đặc biệt chú trọng bảo đảm nguồn kinh phí cho công tác giám định – do kinh phí hạn chế, nhiều khi hoạt động giám định không được tiến hành kịp thời, ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả giám định và tiến độ điều tra các vụ án.

Vẫn còn án đọng, oan sai!

Theo ĐB Lê Minh Hồng (Hà Nam), tỷ lệ án bị hủy, bị cải sửa vẫn còn cao, nhất là án dân sự; đồng thời yêu cầu làm rõ trách nhiệm thuộc về cơ quan điều tra hay cơ quan tư pháp, bởi lẽ những sai sót trong lĩnh vực này – bất kể vì lý do nào – cũng để lại những hậu quả rất nghiêm trọng đối với các đương sự.

ĐB Nguyễn Đăng Trừng (TPHCM) cho rằng, công tác tranh tụng tại tòa chưa được quan tâm đúng mức; nhiều trường hợp kiểm sát viên lúng túng, không bảo vệ được quan điểm truy tố; nhiều cuộc tranh tụng chưa diễn ra một cách công bằng, đúng luật. Các ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên), Nguyễn Đăng Trừng (TPHCM) lưu ý đến tình trạng án đọng. “Án đọng có một nguyên nhân quan trọng là vì chúng ta phải xử giám đốc thẩm quá nhiều. Chúng ta chưa có luật quy định chặt chẽ những vụ việc nào cần xử giám đốc thẩm, vụ việc nào không.

So với một quốc gia như Pháp, năm rồi người ta xử giám đốc thẩm chưa tới 20 vụ, còn ta đã xử tới trên 900 vụ giám đốc thẩm”, ĐB Trừng cung cấp thông tin. Trong khi đó, ĐB Lê Thị Nga chia sẻ quan điểm trên: “Số đơn khiếu nại, đề nghị tái thẩm, giám đốc thẩm là rất lớn, lên đến hàng chục ngàn đơn mỗi năm. Điều này có hai mặt: một là công dân chưa “tâm phục khẩu phục” với công tác xử án; hai là do chưa có quy định rõ ràng về nội dung được khiếu nại nên cũng không ít người đi khiếu nại kiểu “cầu may”.

Tuy nhiên, từ một khía cạnh khác, bà Nga cho rằng, trong khi thời hiệu kiến nghị giám đốc thẩm được quy định rất rõ, thì thời hạn giải quyết khiếu nại lại không được tôn trọng, khiến nhiều người dân bị thiệt thòi mặc dù lỗi là ở các cơ quan công quyền. 

Thi hành án chậm, hiệu quả kém

ĐB Trần Việt Hưng (Hòa Bình) nhận xét, công tác thi hành án (đặc biệt là án dân sự) trong thời gian qua nhìn chung rất chậm chạp, hiệu quả rất thấp. ĐB đề nghị sớm có Luật Thi hành án cũng như có những quy định phù hợp với thực tế hơn khi tuyển dụng cán bộ thi hành án để khắc phục tình trạng thiếu trầm trọng cán bộ làm công tác này. Đây là một công việc vừa vất vả, vừa dễ va chạm, nên cần có những chế độ, chính sách đãi ngộ thỏa đáng. 

ĐB Dương Ngọc Ngưu (Thanh Hóa) nêu thực trạng, ngay cả những án dân sự có điều kiện cũng chỉ được thi hành với tỷ lệ rất thấp. Trong đó, việc chuyển giao cho UBND cấp xã đôn đốc thi hành án đối với những vụ việc có giá trị dưới 500.000 đồng nhìn chung chưa đạt yêu cầu, do cán bộ tư pháp cấp xã phải làm quá nhiều những việc liên quan đến chứng thực, bản sao... 

Công tác phòng chống tham nhũng ở địa phương còn hạn chế

Liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, ĐB Điểu K’Ré (Đắc Nông) cần tập trung chỉ đạo kiên quyết, nêu cao vai trò của người đứng đầu, đặc biệt, khi có tham nhũng xảy ra, phải tạo điều kiện cho cơ quan điều tra vào cuộc. ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cho rằng, công tác chống tham nhũng ở địa phương còn hạn chế, thậm chí, chủ yếu các vụ án tham nhũng lớn là do các phương tiện thông tin đại chúng nêu ra, trong khi công tác khám phá của cơ quan điều tra còn rất ít. 
 
Nhiều ý kiến phát biểu của ĐBQH trong phiên thảo luận hôm qua cũng đề nghị cần chỉ đạo, làm rõ những vụ án lớn, đặc biệt là những vụ án trọng điểm mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo để xử lý dứt điểm.  

A.PHƯƠNG – V.LAN

Thông tin liên quan:

Sáng nay, các đại biểu Quốc hội: Yêu cầu làm rõ trách nhiệm trong những vụ án oan, sai

Tin cùng chuyên mục