Thông tin về tình hình xuất khẩu rau quả Việt Nam thời gian gần đây thật ấn tượng: Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1-2017, rau quả (chủ yếu là trái cây) tiếp tục là một trong những mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu lớn, với 230 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, theo hải quan, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng rau quả năm 2016 đạt 2,4 tỷ USD. Đây là năm đầu tiên rau quả vượt qua lúa gạo để trở thành một trong những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực.
Nay trái cây Việt Nam đã xuất sang 40 nước, thâm nhập được vào các thị trường khó tính, với kim ngạch xuất khẩu tăng cao, như Mỹ (49%), Úc (39%), Hà Lan (38%), Hàn Quốc (26%), Đài Loan (14%).
Nhìn theo chiều ngược lại, trong năm 2016 nước ta cũng đã bỏ ra 925 triệu USD để nhập khẩu rau quả (chủ yếu là trái cây). Tuy xuất siêu rau quả vẫn ở mức cao 1,5 tỷ USD, nhưng cũng cho thấy chúng ta rất vất vả, gian nan để xuất khẩu rau quả nhưng cũng “chơi sang” khi vung tiền nhập khẩu rau quả, khiến trái cây Việt Nam phải cạnh tranh khó khăn chính ngay trên “sân nhà”. Riêng trong tháng 1-2017 vừa qua, kim ngạch nhập khẩu trái cây hơn 110 triệu USD, tăng đến 55% so với cùng kỳ năm trước.
Cách đây vài năm, trái cây ngoại như táo, lê, cam… còn “sang chảnh” trên các quầy, kệ của chợ An Đông, Bến Thành, vậy mà nay đã thấy bày bán tràn lan khắp các cửa hàng, siêu thị lớn nhỏ, hàng trăm cửa hàng bán hàng trực tuyến được rao tràn lan trên mạng, cam kết bao hàng, nhận giao tận nhà. Giá cả trái cây ngoại cũng vượt xa trái cây nội đến cả gần chục lần: mãng cầu Đài Loan 500.000 đồng/kg; nho Nhật xách tay 2 triệu đồng/kg; thanh long ruột vàng Malaysia 700.000 đồng/kg... Giá trên trời như vậy nhưng nhiều cửa hàng không đủ trái cây ngoại để bán cho khách.
Thanh long ruột vàng
Giá cả trái cây ngoại không rẻ nhưng những người dân đang ăn nên làm ra sẵn sàng móc hầu bao để chi trả. Như vậy, cũng chưa thể vội mừng với kim ngạch xuất khẩu trái cây, vì với đà này thì kim ngạch nhập khẩu trái cây sẽ tăng vọt rất nhanh và không lâu nữa sẽ có tình trạng nhập siêu trái cây. Hiện nay, trong kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam, thì 70% xuất vào thị trường Trung Quốc - một thị trường khó bán được giá cao và không ổn định. Do vậy, con tàu trái cây xuất nhập khẩu vẫn rất tròng trành.
Ai cũng biết, cũng hay nói về thế mạnh trái cây Việt Nam - trái cây nhiệt đới. Đã có nhiều hội nghị bàn về liên kết “3 nhà” rồi “4 nhà”. Ấy vậy mà sầu riêng Việt Nam đang thua ngay trên sân nhà khi xuất hiện sầu riêng Thái Lan, Malaysia, vì nhiều người cảnh giác với sầu riêng trong nước do nghe nói “có xịt thuốc kích thích cho mau chín”. Không nên vội phê phán rằng nhiều người có tiền vọng trái cây ngoại, bỏ trái cây nội. Thật tình nhiều người rất thích trái cây trong nước, nhưng chất lượng trái cây ngày càng mất tính cạnh tranh (trừ hàng xuất khẩu). Hôm tết vừa rồi, ngoài chợ bán nhiều quýt của nhà vườn Đồng Tháp, toàn hàng đẹp, nhưng trái quýt tiều vẫn mãn tính với bệnh vừa chua vừa chai. Rất cần các nhà khoa học, trường đại học hay viện nghiên cứu ra tay giúp người nông dân “hô biến” trái quýt tiều sao cho ngọt, cho hết chai để cạnh tranh với hàng ngoại, hoặc làm gì để nhà vườn Bình Thuận không còn rơi vào cảnh phải đổ bỏ thanh long hay mang cho bò ăn, vì dịch bệnh.
Như chuyện con tôm, có thể nói Việt Nam là “vương quốc trái cây” nhưng chưa làm giàu nhờ trái cây. Phải cố gắng làm sao để trái cây Việt Nam ngon hơn, lành hơn, chế biến xuất khẩu có giá trị cao hơn để đi xa hơn, thậm chí còn có thể lấy lại sân nhà trước làn sóng đổ bộ của trái cây ngoại.
QUÂN HOÀNG
(quận Bình Thạnh, TPHCM)