Chủ nghĩa khủng bố ngày càng trở thành vấn đề nan giải đối với cộng đồng quốc tế, không một quốc gia nào trên thế giới có thể đơn phương giải quyết được vấn đề này.
Đây là một trong những đánh giá mới nhất vừa được Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đưa ra trong phiên họp toàn thể cuối tuần qua ở Mỹ nhằm xem xét mối đe dọa nghiêm trọng của các tổ chức khủng bố đối với hòa bình và an ninh thế giới.
Số liệu thống kê của Ủy ban 1267 của Hội đồng Bảo an, chuyên giám sát lệnh trừng phạt đối với tổ chức khủng bố al-Qaeda cho thấy từ mùa hè năm 2014 đến tháng 3 năm 2015, số người nước ngoài gia nhập hàng ngũ tổ chức khủng bố Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các phe nhóm khủng bố khác đã tăng 70%. Hiện có hơn 25.000 tay súng người nước ngoài, đến từ hơn 100 quốc gia, đang đầu quân cho tổ chức khủng bố khét tiếng này. Chính những tay súng người nước ngoài này đã củng cố đáng kể sức mạnh của al-Qaeda cũng như các băng nhóm khủng bố khác, đồng thời cũng là mối nguy hiểm đối với an ninh của các quốc gia, nơi chúng xuất phát và quay trở lại. Đáng chú ý là những tay súng người nước ngoài này đều được trẻ hóa với độ tuổi từ 15 đến 35, mang nặng tư tưởng cực đoan, hận thù và hung hãn, song gần đây, trong hàng ngũ của IS và một số tổ chức khủng bố, đã bắt đầu xuất hiện phụ nữ, kể cả các thiếu nữ người nước ngoài.
Đài RFI bình luận, trong bối cảnh tình hình kinh tế, xã hội toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn, bế tắc, hơn ai hết, những người trẻ rất dễ bị lôi cuốn vào các phe nhóm mang nặng tư tưởng cực đoan, chống phá, để rồi ra nước ngoài đầu quân cho các tổ chức khủng bố. Chính vì vậy, tập trung phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện đời sống cũng là một lĩnh vực chống khủng bố ôn hòa và không gây hậu quả hận thù, cực đoan.
Đương nhiên, tăng cường an ninh vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu như vũ khí chống khủng bố, hiện đại hóa lực lượng an ninh, kiểm soát mạng, tình báo hay gia tăng phối hợp trao đổi thông tin giữa các nước. Nhưng tất cả các giải pháp đó không thôi cũng chưa đủ mà còn phải để ý đến cả vấn đề tài chính để có thể chống lại al-Qaeda. Không cải cách, thì tăng trưởng không thể nào phục hồi được, đình trệ kinh tế là miền đất màu mỡ cho chủ nghĩa khủng bố. Giả như xã hội Pháp phát triển, thăng tiến nghề nghiệp hoạt động tốt với con cái của những người nhập cư từ Trung Đông, tăng trưởng kinh tế có thể mang đến cho mỗi người một cơ hội sống và làm việc tốt hơn thì những tư tưởng cuồng tín, cực đoan sẽ không còn đất sống, hàng triệu thanh niên không còn nằm trong tầm ngắm của al-Qaeda.
Bên cạnh đó, các nước cần tìm hiểu nguyên nhân ngày càng nhiều người nước ngoài rời quê hương, tham gia hàng ngũ của các tổ chức khủng bố, từ đó đưa ra các biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn hiện tượng rất đáng lo ngại này, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc chiến chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu.
VIỆT ANH