Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với bà Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc” về kết quả hoạt động những năm qua.
Bà TÔ THỊ BÍCH CHÂU: Đó là công tác tuyên truyền về biên giới, biển đảo Tổ quốc được triển khai sâu rộng trong hệ thống MTTQ, trong các tổ chức thành viên, các chức sắc tôn giáo, các vị tiêu biểu dân tộc, cán bộ, công chức cơ quan, đơn vị và trong đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân. Nhiều phương thức, loại hình tuyên truyền sinh động, truyền tải được nội dung về biển đảo quê hương, tuyến biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia. Thông qua các cuộc thi, hội thi tìm hiểu về chủ quyền biển đảo, biên cương Tổ quốc đã giúp cho cán bộ, công nhân viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin trong việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Công tác vận động, ủng hộ quỹ được thực hiện trong những năm qua thông qua những hình thức nào, thưa bà?
MTTQ các cấp, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã tổ chức nhiều nội dung, phương thức vận động hiệu quả, như: trích ngày lương, thu nhập, tổ chức các công trình gây quỹ, thu gom ve chai, phế liệu bán lấy tiền ủng hộ các hoạt động của quỹ. Có những em nhỏ nhịn ăn sáng bỏ heo đất tiết kiệm, có chị bán xôi, bán vé số, anh chạy xe ôm, cô công nhân Khu công nghiệp Tân Bình, cựu chiến binh, cán bộ hưu trí… góp nhặt từng đồng đóng góp vào quỹ. Đó là sự thể hiện nghĩa tình, trách nhiệm gắn bó của các giới đồng bào, các tầng lớp nhân dân thành phố với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi biển đảo xa xôi, tuyến đầu Tổ quốc. Ngoài ra, còn phải kể đến hoạt động phối hợp trong 7 năm qua giữa Hội đồng quản lý quỹ và Đài Truyền hình TPHCM, hàng năm tổ chức chương trình “Hướng về biên giới, biển đảo Tổ quốc” đã thu hút được nguồn lực quan trọng cho các hoạt động chung tay vì biển đảo, biên cương Tổ quốc.
Công tác chăm lo được Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tập trung vào những nội dung nào?
Hệ thống MTTQ các cấp từ thành phố đến các quận huyện, địa bàn dân cư đều có những hoạt động thiết thực hướng đến biển đảo, biên cương Tổ quốc và chăm lo đến các đối tượng là thân nhân, gia đình cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi đảo xa, biên giới. Ở cấp MTTQ thành phố, hàng năm đều tổ chức các đoàn đi thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1, Vùng 5 Hải quân và vùng biên giới, địa đầu Tổ quốc. Ngoài ra, mỗi năm thành phố cũng chi gần 3 tỷ đồng thực hiện hơn 60 mái ấm cho chiến sĩ, người nghèo nơi biên giới các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu và nhiều công trình nước ngọt vùng biên giới phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi địa đầu Tổ quốc.
Chúng tôi sẽ tổ chức 2 đoàn đại biểu thành phố đi thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo Tây Nam của Tổ quốc và Vùng 5 Hải quân; phối hợp tổ chức đoàn đi thăm, tặng quà, khám bệnh, phát thuốc, giao lưu văn nghệ và nghe tuyên truyền về tình hình cắm mốc biên giới, tham quan cột mốc biên giới tại tỉnh Đồng Tháp. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tiếp tục triển khai công trình “Mái ấm cho chiến sĩ, người nghèo nơi biên giới” và các công trình “Nước ngọt vùng biên” tại 6 tỉnh biên giới phía Bắc gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên và Lai Châu; qua đó góp phần cùng các địa phương chăm lo đời sống, sinh hoạt và động viên nhân dân giữ gìn biên cương của Tổ quốc.
“Cuộc vận động “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc” khơi dậy trong mỗi trái tim người dân Việt nói chung, đồng bào TPHCM nói riêng về tình yêu, lòng tự hào và trách nhiệm đối với biển đảo, biên cương Tổ quốc. Qua đó, mỗi người bằng cách thức của mình cùng chung sức, chung lòng trong các hoạt động chăm lo cho lực lượng vũ trang, hải quân, biên phòng, cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng biên giới đang ngày đêm bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”. |