Chung tay xây dựng TPHCM thành một Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải, việc học tập và làm theo Bác đã trở thành truyền thống của cả hệ thống chính trị thành phố; luôn được Đảng bộ thành phố xác định là một trong những công việc cốt lõi, then chốt và thường xuyên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Ngày 17-1, Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị giao ban sơ kết 2 năm thực hiện Kết luận 01 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và triển khai xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn thành phố.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Lê Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM.

Đa dạng cách lan tỏa việc học và làm theo Bác

Bí thư Quận ủy quận 10 Lê Văn Minh cho biết, quận đã tổ chức cuộc thi “Lời Bác Hồ dạy và việc làm của chúng ta”, viết trên giấy, thu hút rất nhiều cán bộ, đảng viên, người dân, sinh viên, lao động tự do tham gia. Nhiều bài viết được thể hiện tâm huyết, xúc động với tình cảm dành cho Bác.

17-1-5-5000.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải trao đổi với đại biểu tham dự hội nghị giao ban. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đặc biệt, qua các thiết chế Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn đã cho thấy được sự chuyển biến của cán bộ, đảng viên, hội viên, nhân dân của quận 10, thể hiện qua việc đánh giá, xếp loại công chức, đảng viên năm 2022, 2023. Toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận 10 đoàn kết, quyết liệt thực hiện có hiệu quả hệ thống chỉ tiêu nhiệm vụ của quận nhiệm kỳ 2020-2025. Đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, hiện quận 10 không còn hộ nghèo theo chuẩn của TPHCM.

Chia sẻ về giải pháp tuyên truyền, vận động các giới, các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Ngô Thanh Sơn thông tin, năm 2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM phối hợp thực hiện chương trình “Điều giản dị”. Từ chương trình này đã giúp hệ thống Mặt trận thành phố hình thành ý tưởng trong triển khai thực hiện Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Ở đó, không gian không đóng khung bằng việc xây dựng không gian vật thể hiện hữu là tủ sách, góc đọc sách mà còn có thể khai thác ở nhiều góc độ phi vật thể. Từ đó góp phần thay đổi tư duy, nhận thức, hành động trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của nhân dân thành phố.

Tại hệ thống Mặt trận cơ sở, đã có những công trình xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn với cơ sở tôn giáo, cơ sở giáo dục; không gian sách nói, sách điện tử; hội thi, tọa đàm. Năm 2022, hệ thống Mặt trận thành phố đã vận động 94 cơ sở tôn giáo, thờ tự, tín ngưỡng cùng tham gia tuyên truyền xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Năm 2023, hệ thống Mặt trận thành phố tiếp tục làm nòng cốt để vận động 113 cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng dân gian...

17-1-6-633.jpg
Tiết mục kể chuyện Bác Hồ tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Nhiều đơn vị đã có những cách làm hay, sáng tạo, tiêu biểu như Mặt trận huyện Bình Chánh với mô hình “100% nhà Trưởng Ban Công tác Mặt trận ấp - khu phố có không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, sau đó được nhân rộng ra tại các ấp, tổ nhân dân. Mỗi gia đình được trao tặng một bảng hình ảnh và có mã QR về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp, những câu chuyện và bài học cuộc sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đối với Mặt trận Quận 5, đã ra mắt không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên 50% khu phố, trong đó nhiều nơi là không gian văn hóa mở. Nhờ có không gian văn hóa Hồ Chí Minh được đầu tư trang trọng, giúp không gian con hẻm của khu phố đẹp hơn, tươi sáng hơn. Tại các buổi lễ ra mắt không gian, có người dân đã tự nguyện mang những kỷ vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh để cùng giới thiệu với bà con lối xóm.

Người có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh, TPHCM là thành phố duy nhất được mang tên Bác Hồ kính yêu và vinh dự này đã trở thành niềm tự hào, trách nhiệm lớn lao đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Việc học tập và làm theo Bác đã trở thành truyền thống của cả hệ thống chính trị thành phố; luôn được Đảng bộ thành phố xác định là một trong những công việc cốt lõi, then chốt và thường xuyên.

Đồng chí Nguyễn Hồ Hải nhận xét, việc triển khai thực hiện Kết luận 01 của Bộ Chính trị trong 2 năm qua đã góp phần đấu tranh, ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Qua đó góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị, vững vàng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; hết lòng vì nước, vì dân, giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề bức xúc, nổi cộm của người dân.

Bên cạnh đó, với nhiều cách làm mới, sáng tạo, các địa phương, đơn vị đã triển khai xây dựng và hình thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ấn tượng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong hệ thống chính trị và nhân dân thành phố, nhất là trong các cơ sở tôn giáo, góp phần lan tỏa, thấm nhuần sâu sắc những giá trị to lớn, vĩ đại trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả việc học tập và làm theo Bác, đồng chí yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục trong đoàn Đảng bộ, toàn dân thành phố về tư tưởng, phong cách của Bác; nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công dân trong việc học và làm theo Bác, đặc biệt chú trọng giáo dục thế hệ trẻ, sinh viên, học sinh.

17-1-4-2156.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Các địa phương, đơn vị cũng cần đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Trung ương dành cho TPHCM. “Từng cấp phải đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, thảo luận chọn những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, nghiên cứu khai thác lợi thế của thành phố, của địa phương để triển khai thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương", đồng chí Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh.

Thông qua đó nhằm tạo động lực tích cực để giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, góp phần quan trọng củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân thành phố. Một trong những yêu cầu mà Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM nhắc đến là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ quan, đơn vị.

Song song với đó, tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng thành phố trở thành một Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của người luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên thành phố mang tên Bác.

Tại các địa điểm đặc thù như các cơ sở cai nghiện và cơ sở chăm sóc bệnh nhân tâm thần, Sở LĐTB-XH TPHCM cũng có nhiều cách đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác cũng như xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Theo Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH Võ Sĩ, việc học tập và làm theo Bác gắn với Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong các cơ sở cai nghiện ma túy và bệnh nhân tâm thần từ những việc làm thiết thực nhất, xây dựng lối sống đạo đức, cách ứng xử đầy nghĩa tình, hướng đến mục tiêu xây dựng, giáo dục con người, nhất là thế hệ trẻ. Đó là giáo dục cho những học viên cai nghiện ma túy bị khiếm khuyết về nhân cách được trở thành người có đầy đủ phẩm chất tốt đẹp, biết yêu thương, sáng tạo, năng động trong công việc và cuộc sống. Còn đối với bệnh nhân tâm thần là tình yêu thương, sự sẻ chia, đồng cảm với họ...

Công trình không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng trong khuôn viên của các đơn vị không cứng nhắc, khô khan, giáo điều. Không gian như một bảo tàng thu nhỏ, trưng bày những tư liệu, hình ảnh chân thực, giản dị, gần gũi nhất về Bác Hồ, những tấm gương người tốt việc tốt, những hiện vật gắn với cuộc đời của Bác. Điểm nhấn là những hiện vật trưng bày như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bến Nhà Rồng, Ngôi nhà Quê nội Bác... là các sản phẩm được chính tay học viên cùng làm, qua đó thể hiện được tình cảm của các học viên dành cho Bác.

Tin cùng chuyên mục