Chương mới của quan hệ Việt - Nhật trong bối cảnh mới

Thực tế cũng cho thấy quan hệ Việt - Nhật hiện nay đã phát triển toàn diện, sâu sắc, thực chất và hiệu quả, đặc trưng bởi sự tin cậy chính trị cao của lãnh đạo và nhân dân hai bên, bởi sự hợp tác trên tất cả mọi lĩnh vực.

Trải qua 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023), quan hệ Việt Nam - Nhật Bản ngày càng tốt đẹp, nhất là từ khi chúng ta thiết lập mối quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng năm 2014 và đặc biệt là sự kiện mới đây, hai nước đã thống nhất nâng cấp lên thành quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

Có rất nhiều minh chứng cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan về mối quan hệ thâm tình này. Cả hai bên đều đánh giá quan hệ hai nước đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất từ trước đến nay. Biểu hiện rõ nhất là những chuyến thăm lẫn nhau ở cấp cao nhất của Nhà nước trong thời gian qua. Gần đây nhất, trong chuyến thăm của lãnh đạo Nhà nước Việt Nam đến Nhật Bản, hai nước đã thể hiện quyết tâm chính trị và hợp tác sâu sắc hơn nữa khi cùng ra tuyên bố chung và thống nhất nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng lên tầm mức mới là Đối tác chiến lược toàn diện.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu diễn văn chính sách tại Quốc hội Nhật Bản. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu diễn văn chính sách tại Quốc hội Nhật Bản. Ảnh: TTXVN

Điều này cũng hàm ý mở ra tiềm năng dư địa hợp tác hai bên rất lớn trong thời gian tới với nhiều lĩnh vực. Đây cũng là sự phát triển tự nhiên, hợp lôgíc của quan hệ Việt - Nhật, mở ra một chương mới của quan hệ hai nước, hướng tới 50 năm tới trong bối cảnh mới của quốc tế, khu vực và “mặt bằng mới” của sự phát triển ở hai nước.

Thực tế cũng cho thấy quan hệ Việt - Nhật hiện nay đã phát triển toàn diện, sâu sắc, thực chất và hiệu quả, đặc trưng bởi sự tin cậy chính trị cao của lãnh đạo và nhân dân hai bên, bởi sự hợp tác trên tất cả mọi lĩnh vực. Hiển nhiên, tới đây, sau khi đã nâng cấp quan hệ, sự hợp tác sẽ còn sâu rộng hơn, thực chất hơn trên mọi lĩnh vực, quy mô cũng mở rộng hơn (không chỉ vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á mà còn cả trên thế giới), hài hòa với bối cảnh mới của tình hình quốc tế, khu vực và yêu cầu mới của sự phát triển của mỗi nước. Có được kết quả này chính là sự nỗ lực của cả hai nước với những hợp tác hết sức hiệu quả và thực chất.

Nếu nhìn lại, trước khi nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, mối quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng đã phát triển từng bước vững chắc, đã đạt đến mức độ “chín muồi”. Quan hệ chính trị, ngoại giao ngày càng chặt chẽ và tin cậy. Quan hệ kinh tế - thương mại ngày càng phát triển. Một điểm đáng chú ý nữa là hợp tác giáo dục đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực ngày càng phát triển, thể hiện qua số lượng sinh viên Việt Nam học tập tại Nhật Bản, số lượng người lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản và đặc biệt, quan hệ quốc phòng - an ninh phát triển chặt chẽ.

Cùng với đó, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân phát triển rất mạnh. Nét khá nổi bật là Nhật Bản và Việt Nam đều coi trọng nhau và phối hợp, hợp tác chặt chẽ trên các diễn đàn. Nhật Bản là nước đầu tiên mời Việt Nam dự hội nghị cấp cao G7 mở rộng và là nước đầu tiên trong G7 công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Trong quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, một thành tựu quan trọng, hay nói đúng hơn là dấu ấn không thể không đề cập đến - đó là về kinh tế. Hiện Nhật Bản là nước cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam với tổng giá trị tích lũy cho đến nay đạt gần 22 tỷ USD.

Vốn FDI của Nhật Bản tại Việt Nam vẫn đang tiếp tục tăng mạnh. Nhật Bản hiện cam kết đầu tư vào Việt Nam khoảng 70 tỷ USD, đứng thứ ba trong số các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và con số này đang tiếp tục tăng lên. Có khoảng 5.000 dự án của Nhật Bản tại Việt Nam và theo khảo sát của JETRO (Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản), có tới 60% doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục muốn tăng cường và mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Thương mại hai nước hiện nay đạt con số đáng kể, khoảng 50 tỷ USD và Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Hai bên đã ký kết nhiều hiệp định như Hiệp định Đối tác kinh tế 2008...

Đặc biệt, Sáng kiến chung giữa Việt Nam và Nhật Bản nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho hợp tác hai bên là bước đi quan trọng. Tóm lại, việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lần này đồng nghĩa hai nước chuẩn bị hành trang đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác bước vào giai đoạn mới hiệu quả hơn, chất lượng hơn, sâu rộng hơn trên tất cả mọi lĩnh vực, trên bình diện song phương cũng như đa phương, góp phần to lớn vào sự phát triển của từng nước, bảo đảm hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững không chỉ ở phạm vi của hai nước, ở khu vực mà còn đóng góp rộng hơn ở thế giới.

Tin cùng chuyên mục