Chuyển đổi số ở ngành điện TPHCM: Từ nhận thức đến hành động

Nỗ lực chuyển đổi số đồng bộ đã giúp Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) vừa được Diễn đàn kinh doanh IoT châu Á (AIBP) trao giải thưởng Doanh nghiệp sáng tạo ASEAN năm 2022.

Cũng trong thời gian này, EVNHCMC vinh dự là tổng công ty nhà nước đầu tiên được Bộ TT-TT chứng nhận là doanh nghiệp số, đạt 3/5 mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp.

Tăng tiện ích cho khách hàng

Theo đồng chí Phạm Quốc Bảo, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNHCMC, từ những năm 2000, tổng công ty đã có những bước đi đầu tiên trong việc số hóa và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ năm 2020 đến nay, tổng công ty đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, tiếp tục phát triển lưới điện thông minh và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Đồng chí Phạm Quốc Bảo (bên trái) nhận cờ Đơn vị xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua năm 2022 do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tặng

Đồng chí Phạm Quốc Bảo (bên trái) nhận cờ Đơn vị xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua năm 2022 do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tặng

Về công tác quản lý kỹ thuật, EVNHCMC vận hành toàn bộ các trạm 110kV theo chế độ không người trực, điều khiển từ xa tất cả lưới điện trung thế; hoàn thành số hóa toàn bộ lưới điện trên nền bản đồ GIS. Trong khâu kinh doanh, 100% dịch vụ cho khách hàng thực hiện trong môi trường số, qua tổng đài đa kênh giao dịch giữa khách hàng và điện lực, nhằm đáp ứng yêu cầu khách hàng mọi lúc, mọi nơi và giúp nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Đến nay, tỷ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt xấp xỉ 100%; 99% hộ khách hàng đã được gắn công tơ đo đếm từ xa đều có thể theo dõi mức tiêu thụ điện hàng ngày.

EVNHCMC cũng đã ứng dụng công nghệ vào quản trị, như phát triển phần mềm quản lý độ tin cậy cung cấp điện, được công nhận là sản phẩm Make by EVN, hiện được áp dụng chung cho ngành điện cả nước. “Tới đây, EVNHCMC đẩy mạnh chuyển đổi số ở mức nâng cao, nỗ lực góp phần hiện thực hóa chủ trương chuyển đổi số, kinh tế số và xã hội số của Chính phủ”, đồng chí Phạm Quốc Bảo khẳng định.

Thay đổi nhận thức của người lao động

Theo đồng chí Phạm Quốc Bảo, chuyển đổi số thực chất là quá trình thay đổi, không chỉ về hạ tầng vật chất mà còn phải thay đổi về ý thức của con người. Do đó, trước tiên phải chuyển đổi nhận thức của người lao động, mà tiên phong là lực lượng đảng viên trong Đảng bộ EVNHCMC. Người đứng đầu các đơn vị phải là nhân tố chính trong chuyển đổi số. Mọi người phải nhận thấy rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong công cuộc chuyển đổi số. “Người lao động sẽ không đơn độc. Đảng ủy luôn đồng hành với người lao động, đảng viên trong việc xây dựng, tổ chức chương trình đào tạo, tập huấn về kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ cũng như các vấn đề cốt lõi về chuyển đổi số để người lao động có thể ứng dụng công nghệ trong giải quyết công việc”, đồng chí Phạm Quốc Bảo chia sẻ.

Nhằm phát huy kết quả đã đạt được, Đảng bộ EVNHCMC xây dựng chủ đề năm 2023 là “Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu; quản trị hiệu quả doanh nghiệp số; tiếp tục xây dựng và phát triển lưới điện thông minh; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”. Theo đồng chí Phạm Quốc Bảo, đơn vị đặt ra 10 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó quan trọng nhất vẫn là tiếp tục hoàn thiện tổ chức cơ sở Đảng và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh, phát huy mạnh mẽ 5 nguyên tắc tổ chức Đảng. Đồng thời tạo đột phá trong đầu tư và hiện đại hóa lưới điện; đẩy nhanh hơn nữa thực hiện lộ trình xây dựng lưới điện thông minh giai đoạn 2021-2025 theo định hướng nhanh chóng tiệm cận với trình độ phát triển lưới điện thông minh của thế giới. Tiếp tục nghiên cứu, đề ra giải pháp, sáng kiến số để nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng trên môi trường đa kênh. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện văn hóa doanh nghiệp số theo phương châm “Chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả” kết hợp với Bộ tiêu chí “Người công nhân ngành điện chuyên nghiệp Thành phố mang tên Bác”…

Tin cùng chuyên mục