Giao thừa năm nay, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta trên chiến trường Trị Thiên - Huế Xuân 1968 tròn 45 năm. Trong ký ức, những nữ anh hùng còn lại của Tiểu đội du kích 11 cô gái sông Hương năm xưa không bao giờ quên các trận đánh hào hùng mà bi tráng… 2 giờ 33 phút ngày 31-1-1968, tức mùng một Tết Âm lịch, giờ phút thiêng liêng đáng ghi nhớ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Ký ức không quên
45 năm về trước, những cô gái trong Tiểu đội du kích 11 cô gái sông Hương tuổi mười tám đôi mươi ở xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế nung nấu lòng căm thù giặc, khi hàng ngày chứng kiến chúng tàn sát, bắt bớ, tra tấn tàn nhẫn người dân vô tội… Được các anh chị cán bộ cách mạng đưa vào tổ chức hoạt động, các cô gái nhận nhiệm vụ nắm tình hình hoạt động của địch. Họ hăng hái, quên ăn quên ngủ, xông xáo với công việc rải truyền đơn, đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, liên lạc và vận động binh lính ngụy trở về với nhân dân.
Trong căn nhà cấp bốn ở đường Bà Triệu, TP Huế, chị Hoàng Thị Nở, một trong số 11 cô gái sông Hương cẩn trọng nhắc về một thời liệt oanh của mình và đồng đội. Chị kể: “Ngày ấy, 11 đứa con gái chúng mình lấy tên sông Hương đặt làm tên chung vì tất cả đều sinh ra và lớn lên tại làng nón Thủy Thanh. Trước ngày Bộ Chính trị quyết định mở cuộc “tổng công kích, tổng khởi nghĩa”, tụi mình được các đồng chí lãnh đạo Thành ủy Huế giao nhiệm vụ nắm tình hình tại các địa điểm đóng quân của địch tại TP Huế, chuẩn bị dẫn đường và tải thương khi bộ đội ta từ vùng ven đồng loạt tấn công vào thành phố. Triển khai nhiệm vụ, tụi mình vào vai con gái làng nón đưa sản phẩm làng nghề đi bán dạo khắp khu vực phía Nam thành phố để ghi nhận tình hình”.
Đêm 11 rạng sáng 12-2-1968, Tiểu đội du kích 11 cô gái sông Hương được đồng chí Hoàng Lanh, lúc đó giữ chức Bí thư Thành ủy Huế, giao thêm nhiệm vụ phối hợp với bộ đội chủ lực đập tan đợt phản công của quân thù từ Phú Bài (thị xã Hương Thủy) đổ lên TP Huế theo quốc lộ 1A. Trước Tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ hùng mạnh, có xe tăng và máy bay yểm trợ, Tiểu đội du kích 11 cô gái sông Hương do chị Phạm Thị Liên chỉ huy sử dụng súng AK, K44, một số mìn và lựu đạn, tận dụng nhà dân dàn trận khắp các địa điểm tại khu vực phường Phú Hội và phường Xuân Phú để đánh địch.
Bốn cô gái sông Hương tham gia đánh trận ấy đã anh dũng hy sinh trước họng súng quân thù gồm chị Đỗ Thị Hoa, Hoàng Thị Sau, Hoàng Thị Hết, Nguyễn Thị Diên. Bom đạn kẻ thù đã nghiền nát xương, nát thịt đồng đội mình. Nhưng những cô gái sông Hương còn lại quyết tâm bám chiến hào đánh địch và diệt được 70 lính Mỹ, 4 xe tăng, thu giữ một khối lượng lớn phương tiện chiến tranh của địch, đẩy lùi và buộc tiểu đoàn tinh nhuệ của Mỹ phải rút khỏi TP Huế, tạo điều kiện cho quân ta làm chủ TP Huế trong 26 ngày đêm liên tục của đợt tập kích đầu tiên trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.
Bình dị một ước mong
11 cô gái sông Hương mãi là hình ảnh đẹp, biểu tượng người con gái Huế: Trung hậu, đảm đang, trung dũng, kiên cường! Họ vinh dự được Bác Hồ tặng bài thơ khen ngợi: “Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường/Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường/Bác khen các cháu dân quân gái/Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương”. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã dựng bia tưởng niệm chiến công và sự hy sinh anh dũng của các cô gái sông Hương tại phường Xuân Phú - địa điểm gắn với chiến công của họ 45 năm về trước. Đặc biệt, ngày 9-2-2009, Tiểu đội du kích 11 cô gái sông Hương vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vì những chiến công xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Sau chiến dịch Mậu Thân, Tiểu đội du kích 11 cô gái sông Hương phát triển thành trung đội vũ trang Võ Thị Sáu. Và 2 trong 7 cô gái sông Hương còn lại ngày ấy cũng đã hy sinh, trong đó đội trưởng, người chị cả Phạm Thị Liên hy sinh tại Kim Long - Huế, ngày 24-4-1968.
Hoàn thành nhiệm vụ cùng nhân dân cả nước thực hiện lời di chúc của Bác Hồ: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, sau ngày đất nước thống nhất, những người còn lại của Tiểu đội du kích 11 cô gái sông Hương mỗi người một vị trí công tác mới, mỗi người một phận. Chị Nở cười buồn: “Bây giờ lớn tuổi, vết thương hành hạ, rồi hoàn cảnh gia đình mỗi người mỗi khác, nên chúng tôi ít khi gặp nhau”. Tiểu đội du kích 11 cô gái sông Hương hiện giờ chỉ còn 5 người gồm: Hoàng Thị Nở, Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Thị Hợi, Chế Thị Mừng (đều sống ở Huế) và chị Nguyễn Thị Xê (sống tại Ninh Bình). Tất cả đều mong ước một ngày được hội ngộ, một ngày có điều kiện ra viếng lăng Bác lần cuối trong đời, vì tuổi đã lớn và nhiều bệnh tật.
| |
Văn Thắng
Tiệm phở Bình - lòng dân trong Xuân Mậu Thân
Giáp Tết 1988, tôi trở lại thăm tiệm phở Bình trên đường Lý Chính Thắng, quận 3, TPHCM, nơi đặt sở chỉ huy tiền phương của Khu Sài Gòn - Gia Định trong mùa xuân tiến công và nổi dậy 1968û.
Bác Ngô Toại, chủ tiệm phở, đã 76 tuổi, đầu tóc bạc phơ, nhưng bác vẫn khỏe, trí nhớ còn rất tốt. Nhắc lại Tết Mậu Thân, bác hồ hởi bộc bạch, trước tết khoảng một tháng, các anh Hai Trí, Ba Đen, Ba Khâm yêu cầu gia đình tôi chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho khoảng 100 người ăn trong một tháng. Không dám hỏi kỹ các anh, vợ chồng tôi tiên đoán phía mình đang sửa soạn làm chuyện trọng đại. Mới nghĩ vậy, đã cảm thấy sướng quá trời. Sáng chiều vợ chồng tôi thay nhau đi vận động các cơ sở: “Năm nay mình ăn tết lớn, các ông các bà có gì đóng góp nấy…”. Cũng phấn khởi không kém chúng tôi, họ hưởng ứng rần rần. Đến bữa chiều đưa ông Táo về trời, thực phẩm đã chất đầy kho nhà tôi. Ông Tư Già ở chợ Đa Kao chở đến một cần xé hột gà. Bà Thái và mấy người nữa ở Gia Định chung nhau mang tới 20kg cá chép. Ông chủ tiệm vàng Xuân Thành góp 20.000 đồng. Còn nhiều thứ nữa như giò chả, bánh chưng, gà, thuốc lá… Anh Hai Trí, rồi anh Ba Đen đóng giả thực khách về kiểm tra, tỏ ý rất hài lòng. Rồi theo sự hướng dẫn của các anh, 46 cán bộ và giao liên từ các nơi lần lượt về nhà tôi. Tôi dành hẳn lầu hai cho các anh chị.
Mùng một Tết sắp trôi qua. Đêm đó, bỗng nhiều cán bộ khác đột ngột đến nhà tôi trong những bộ quần áo khá sang trọng. Đúng 23 giờ, một anh đứng lên, mãi sau này tôi mới biết đó là anh Ba Thắng, Chánh ủy khu. Anh dõng dạc nói: “Giờ hành động của cơ hội ngàn năm có một đã đến. Chúng ta hãy nhớ lại lời thề Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Trước khi xuất phát tiến công các mục tiêu đã được phân công, các đồng chí nghe tôi đọc lời hiệu triệu của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng… Giây phút đó sao thiêng liêng quá. Mọi người cùng đứng nghiêm nghe người chỉ huy đọc từng lời rành rẽ, hùng hồn. Rồi anh chị em cùng vụt xuống đường, tấm băng đỏ đeo ở cánh tay, tỏa về nhiều hướng. Tôi nhìn theo bóng dáng các anh chị, trong người rạo rực quá chừng. Chúng tôi ngóng chờ, mãi cho đến mùng ba Tết nhưng không thấy ai trở về. Chính trong buổi sáng đó, bọn quân cảnh tiến hành bao vây rồi xông vào nhà bắt vợ chồng tôi, cháu Hải và chồng cháu là Bạch”.
Đưa chúng tôi về Tổng nha cảnh sát, chúng nhốt riêng tôi vào cát-xô, cởi hết quần áo của tôi ra và tra tấn hết sức dã man. Chúng trói tôi vào ghế dài và đổ nước vào miệng, xịt dầu lên tóc rồi đốt, dùng gậy hèo đánh chân tay sưng tấy. Nhiều lần tôi chết giấc. Nhưng dù còn tỉnh hay mê, tôi một mực không khai báo, không hề nhận là cơ sở, kinh tài của Việt cộng. Bao lần tôi tự nhủ: “Dù chết không phản lại dân tộc, phản lại cách mạng”. Tôi bị đưa đến trại biệt giam rồi bị đày ra Côn Đảo, nếm đủ đòn thù, đủ loại cực hình.
Đến Hiệp định Paris năm 1973, khi địch trao trả ở Lộc Ninh, tôi chỉ còn thân tàn ma dại, đi đứng không vững nữa. Nhưng tôi rất tự hào vì đã giữ được niềm chung thủy sắt son của một người dân đối với cách mạng, không khuất phục kẻ thù. Còn vợ tôi, một tháng sau khi bị bắt thì được địch phóng thích. Nhưng bà ấy phải ra ở ngoài lề đường vì căn nhà của chúng tôi bị niêm phong. Một mình nuôi 5 đứa con nhỏ, hàng ngày bà ấy bán bánh cuốn ở ngã tư đường phố và vẫn luôn hướng về đàng mình. Ba đứa con trai đến kỳ khôn lớn, bà ấy lần lượt cho đi bộ đội. Nhắc đến người bạn đời vừa khuất chưa lâu, bác Ngô Toại lại bùi ngùi cảm động. Nhưng niềm vui vẫn đọng lại trên khuôn mặt bác. Qua bác, tôi hiểu hơn về người dân Sài Gòn. Rồi tôi nhìn một lượt những khách hàng đang có mặt trong tiệm phở Bình, hình như họ cũng đang vui, rất vui, vì biết rằng căn nhà số 7 đường Lý Chính Thắng này (Yên Đổ cũ) từng ghi dấu một sự kiện quan trọng giữa Tết Mậu Thân xưa.
…Thêm một phần tư thế kỷ nữa trôi qua. Bác Ngô Toại đã trở thành người thiên cổ. Nhưng câu chuyện bác giãi bày ngày đó, tôi vẫn khắc sâu. Và nhân kỷ niệm 45 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968 - 2013), những dòng chữ này của tôi như nén tâm nhang tưởng nhớ bác cũng như mọi “người Mậu Thân” kính yêu khác.
Trương Nguyên Tuệ