Cơ hội tuyệt vời của Việt Nam ở WEF

Nhận lời mời của nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán và Thủ tướng Romania Ion-Marcel Ciolacu, Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của WEF tại Davos (Thụy Sĩ), thăm chính thức Hungary và Romania từ ngày 16 đến 23-1.

Thụy Sĩ khẳng định đóng góp của Việt Nam

Theo TTXVN, đánh giá về nỗ lực của Việt Nam trong các sáng kiến và hoạt động của WEF, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass nhấn mạnh, vai trò của Việt Nam ngày càng quan trọng, không chỉ trong khu vực mà còn vượt ra ngoài khu vực. Là một thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ổn định và hợp tác khu vực. Việt Nam cũng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình trên thế giới, trong đó có Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi. Việt Nam cũng đã thực hiện một số bước tiến quan trọng để giảm lượng khí thải carbon, với cam kết đạt mức phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050.... Do vậy, WEF 54 sẽ mang đến cho Việt Nam một cơ hội tuyệt vời để thể hiện cam kết của mình với các giải pháp cụ thể và giành được sự ủng hộ của cộng đồng các nhà đầu tư cho những nỗ lực của mình.

o8c-8333-9922.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch WEF Klaus Schwab trong khuôn khổ Hội nghị WEF tổ chức tại Thiên Tân, Trung Quốc ngày 26-6-2023. Ảnh: TTXVN

Ông Philipp Rösler, nguyên Phó Thủ tướng Đức và Lãnh sự danh dự đầu tiên của Việt Nam ở Thụy Sĩ khẳng định, Việt Nam có những đóng góp rõ rệt tại các diễn đàn đa phương thời gian qua. Ông nhấn mạnh: “Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao, trong đó có nhiều đại diện doanh nghiệp, dự hội nghị thường niên của WEF tại Davos sắp tới là một cột mốc quan trọng. Hoạt động của đoàn sẽ là một thành công nữa trong chuỗi những sự kiện đối ngoại nổi bật của Việt Nam thời gian qua. Bằng những hoạt động này, Việt Nam chứng tỏ cho bạn bè quốc tế thấy rằng mình là một quốc gia có thế mạnh trong các kế hoạch kinh tế định hướng tương lai, tập trung mạnh vào tăng trưởng bền vững và số hóa, trong tất cả các ngành từ thực phẩm, nông nghiệp, sản xuất đến các dịch vụ và giải pháp kỹ thuật số”.

Vai trò tích cực của Hungary và Romania

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân thăm chính thức Hungary và Romania từ ngày 16 đến ngày 22-1 là hoạt động trao đổi đoàn ở cấp Thủ tướng Chính phủ đầu tiên giữa Việt Nam và Hungary trong 7 năm qua và với Rumani là trong vòng 5 năm. Hungary và Romania là hai trong 10 nước đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngay sau khi Việt Nam giành độc lập.

Hungary và Romania rất tích cực hỗ trợ Việt Nam trong quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU), nhất là trong quá trình đàm phán, ký và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Romania là nước đã nỗ lực hết sức thúc đẩy việc ký kết Hiệp định EVFTA vào đúng ngày cuối cùng của nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU của Romania. Hungary là quốc gia thành viên EU đầu tiên phê chuẩn Hiệp định EVIPA. Việt Nam luôn hết sức trân trọng và biết ơn những tình cảm và sự hỗ trợ quý báu đó.

Tin cùng chuyên mục