Có lượng không chất

Sai phạm ở cơ quan thi hành án (THA) dân sự TPHCM trong việc thi hành án tài sản vụ án Epco-Minh Phụng mà báo chí đã nêu trong những ngày qua là khá nghiêm trọng. Thành ủy TPHCM chỉ đạo đó là vụ án điểm. Thế nhưng, trong bản kiểm điểm, 3 đảng viên Lương Vĩnh Phúc, Phó Bí thư chi bộ, Trưởng THA Dân sự TP; Trần Văn Hảo, chấp hành viên và Bùi Liên Hiệp, nguyên chấp hành viên (đã bị khởi tố, bắt tạm giam) – những người trực tiếp liên quan đến các vụ sai phạm - chỉ thừa nhận có sai phạm về thủ tục khi vận dụng theo khoản 2, Điều 40 Pháp lệnh THA năm 1993, để giải quyết cho các hộ dân “chuộc” hơn 30.000m2 đất mà Công ty Epco đầu tư tại phường An Phú (quận 2) năm 1992…

Chi bộ đảng của cơ quan THA Dân sự TP cũng đã có cuộc họp kiểm điểm đảng viên. Sau một số ý kiến “qua lại”, cuộc họp kết thúc với đề nghị hình thức kỷ luật: khiển trách Lương Vĩnh Phúc, cảnh cáo Bùi Liên Hiệp và phê bình nghiêm khắc Trần Văn Hảo… Cần nói thêm, từ năm 2002 đến nay - chỉ có năm 2005, Chi bộ THA dân sự TP đạt được danh hiệu “Chi bộ hoàn thành nhiệm vụ”, còn lại đều là yếu kém. Thế nhưng các đảng viên Lương Vĩnh Phúc, Bùi Liên Hiệp và Trần Văn Hảo đều được công nhận “đảng viên đủ tư cách loại 1”! Giải thích về “nghịch lý” này, Bí thư chi bộ THA Dân sự TPHCM Phạm Thị Thanh Loan cho biết: “Những vụ nào thuộc về bề nổi đã được làm rõ mới đấu tranh được. Còn những gì chìm thì chúng tôi chịu (!?)”.

Lâu nay, việc sinh hoạt theo quy định của Điều lệ Đảng vẫn được các cơ sở tổ chức đều đặn thường xuyên. Thế nhưng rất ít những vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí… được phát hiện, xử lý từ các cuộc sinh hoạt cơ sở này. Do cấp ủy không đủ bản lĩnh điều hành sinh hoạt tự phê bình và phê bình kiểm điểm đúng thực chất hay do đảng viên không dũng cảm đối diện với đồng chí có hành vi sai phạm…? Dù bất kỳ lý do gì thì sinh hoạt đảng như vậy là có lượng mà không chất. Nếu không có biện pháp chấn chỉnh củng cố thì đó chính là một trong những nguyên nhân làm suy yếu tổ chức Đảng ở cơ sở.

NAM-SƠN

Tin cùng chuyên mục