Con đã lớn chưa?

Con đã lớn chưa?

Nó dụi dụi cái đầu tóc hoe vàng vô vai chị, hít hít mùi mồ hôi, mùi than củi, mùi tóc đã hai ba ngày chưa gội của chị mà hỏi vậy. Nó nói nhớ chị quá chừng. Nói không hiểu sao hồi ở nhà con không thấy thương má, mà khi đi làm xa rồi, cứ mỗi chiều là con nhớ má lui cui sau bếp, trong cái nhà vách che nhiều miếng nằm giữa vườn bạch đàn, ở tận vùng biên giới khỉ ho cò gáy của mình quá trời.

Chiều nào, sau giờ làm việc, nó cũng sà xuống gánh bánh canh chay trước cổng công ty, ăn một tô cho qua bữa rồi về nghỉ ngơi, khỏi mất công nấu cơm chiều. Bưng tô bánh canh lõng bõng chừng mươi cọng bánh trắng với vài miếng mướp hương xanh xanh, miếng đậu hũ chiên vàng bằng hai ngón tay, nó ngó vô đó hoài mà miên man nhớ má. Cái nét khắc khổ của chị bán bánh canh, cái “tướng” ngồi quạt lửa của chị đó… sao cứ y chang má nó. Nghe đâu chị ta cũng một nách mấy đứa con, chồng chết vì tai nạn giao thông, phải buôn Tần bán Sở tối ngày mới đủ cơm đổ vô miệng sắp nhỏ.

Minh họa: D. Khanh

Minh họa: D. Khanh

Chị ngẩn người ra trước câu hỏi của nó, không biết trả lời sao.

Mười sáu tuổi, con mình vẫn là con nít hay đã lớn?

Tính theo những gì chị biết qua loa truyền thanh trên cây cột điện đầu xóm, thì tuổi mười sáu vẫn còn là tuổi con nít hay là tin tin gì đó. Tuổi đó, con nít còn ở nhà cho ba má nuôi cơm, lo học hành. Nhưng nếu tính trên thực tế, mới hơn mười sáu tuổi một chút mà con gái chị đã già hơn… Xin Bét. Hồi cha nó bỏ mẹ con nó, theo một con mẹ mập ú đi casino chơi rồi biệt dạng, nó mới học lớp sáu. Chị khóc cạn nước mắt rồi cũng phải gồng mình lo cho bầy con ba đứa, hồi đó thằng Út mới hai tuổi mấy. Nó ráng học lập dập kéo lết tới hết lớp bảy thì nghỉ. “Để con đi làm phụ chớ má đi làm mình ên thấy cực quá…” – nó nói vậy, rồi theo chị đi làm cỏ mì cỏ mía, xỏ lá lợp nhà cho người ta. Làn da con gái được bịt trong mớ khẩu trang, khăn quàng, nón vải cũng mịn màng trắng trẻo như con gái thị thành, nhưng không giấu đâu được đôi gót chân nứt ngang nứt dọc vì lội sình dang nắng, những ngón tay tuy giữ kỹ trong bao tay nhưng cũng không khỏi xù xì, các khớp xương to ra mà thịt da thì ít khiến kẽ tay thưa rều...

Bữa tết mới rồi, nghe nói ở khu công nghiệp B. có công ty may H. tuyển nhân công, nó xin đi làm. Chị nạt: “Chưa đủ tuổi mà đi đâu?!”. Nó cười: “Trời ơi má! Người ta thay giấy thay tờ mấy hồi, con làm được việc mà…”. Nó mượn tấm giấy chứng minh nhân dân của con Mận trong xóm, lớn hơn nó ba bốn tuổi gì đó, dán cái hình nó vô rồi ép lại. Mượn luôn cái hộ khẩu, photo. Và nó được nhận vô công ty làm gần như tức thì. Dĩ nhiên, với cái tên của con Mận. Chị thở dài: chắc người ta cần người, nên cũng dễ dàng với con mình. Chị muốn đi làm với con để coi chừng nó, vì luôn nghĩ là nó còn nhỏ xíu, sẽ bị người ta hiếp đáp, lợi dụng… Nhưng nó tự tin cười: “Trời ơi má… con lớn vậy rồi, ai mà dám ăn hiếp! Má ở nhà mà lo cho mấy đứa nó, khỏi lo cho con đi…”. Tháng lương đầu tiên nó ôm hết tiền về đưa chị, sau đó xin lại ít tiền để mướn nhà trọ ở gần công ty đặng dễ tăng ca. Tăng ca xong, ra ngoài ăn bậy ăn bạ miếng gì đó rồi về ngả lưng cái phịch xuống ngủ, khỏi đợi xe đợi pháo đưa về tới nhà lâu lắc… Mới đó mà cũng hơn sáu tháng rồi! Chị bớt nhọc nhằn hơn vì có tiền nó đưa về phụ hợ, nhưng rồi cũng xót xa hơn khi thấy con mình lẽ ra phải phổng phao ra như cái tuổi của nó, lại mỗi ngày mỗi quắt queo teo tóp đi như cây lúa bị nghẹn đòng…

Vậy mà giờ này nó lại hỏi chị: “Má, con như vầy là lớn hay chưa?”.

Chị hỏi riết lại, lý do sao con hỏi má câu đó.

Nó làm thinh.

Thiệt ra, bữa ngồi uống nước mía ngoài cổng công ty, có anh kia làm chuyền khác, tới ngồi uống chung, rồi ghẹo nó. Hỏi nó có bạn trai chưa? Đi làm cực không? Có về nhà không? Nhà ở đâu? Sao phải đi làm xa nhà vậy? Hỏi qua hỏi về một hồi, anh kia đòi làm quen với nó. Nó cười cười: “Tui còn nhỏ lắm mừ làm quen cái gì.” Anh kia phát cười rộ: “Trời ơi, em già như Xin Bét mà em tưởng em còn nhỏ sao… Cỡ như em, con gái xóm nhà anh có chồng lâu rồi. Đi làm lãnh lương thì là người lớn rồi, phải có bạn chớ!”; “Để tui về tui hỏi má tui cái… Chớ quen khơi khơi vầy bả hổng chịu đâu…”. Nó lúc lắc đầu, cãi cố, và anh kia không thèm nói gì, chỉ cười he he một cách khoái trá, ra cái điều đã “săn” được một em gái non xèo về tư cách, chắc chưa biết bạn trai là gì. Anh kia không biết, nó ngẩn ngơ trong lòng, tự hỏi mình vầy mà già sao ta?

Nhưng mới đây, về nhà vì xã tổ chức sinh hoạt thanh niên dịp hè gì đó, có mời nó (thì cũng thanh niên trong xã mà). Thấy mấy đứa học trò cấp ba trạc tuổi mình, liếng khỉ, giỡn ầm đùng với mấy đứa con nít khăn quàng đỏ khiến mấy anh chị phụ trách Đoàn trên huyện về phải giả bộ làm nư mới yên. Nó tự nhìn lại mình mà tự hỏi ủa sao nhỏ lớn mình không biết giỡn y như tụi nó vậy? Mấy đứa đó được coi là con nít, còn mình, ai cũng nói lớn bộn rồi, má sắp gả được rồi. Vậy rốt cuộc, mình đã lớn chưa hay còn nhỏ?

Tưởng gì, về nhà hỏi má, cũng như không…

Có một điều cô công nhân nửa-trẻ-nửa-già đó không biết, bữa đó khi cô đi rồi, má cô ngồi trước cái lò nấu bắp nấu khoai để chờ bán bữa chợ mai mà chảy nước mắt hoài, không phải vì khói lửa.

CẨM GIANG

Tin cùng chuyên mục