
Tổng kết cuối năm, con “học đúp” hay “lưu ban” luôn là điều hết sức tệ hại trong mắt các bậc làm cha mẹ ở Việt Nam cách đây ba mươi năm. Bây giờ vẫn vậy. Nhưng tại châu Âu, những đứa trẻ không được lên lớp (trong đó có không ít trẻ gốc Việt hoặc lai Việt) vẫn thoải mái tận hưởng kỳ nghỉ hè thú vị trước khi trở lại lớp cũ trong năm học mới, ấy là vì cha mẹ chúng đã nghĩ thoáng hơn.

Một cặp song sinh biểu diễn Aerobic trong lễ hội cuối năm học tại Trường Mẫu giáo và Tiểu học Heikant (Bỉ).
“Bé Evy có được lên lớp một không?”, tôi hỏi Tâm - một bà mẹ gốc Việt ở Bỉ. “Cô giáo bảo vẫn chưa tập trung học, chỉ thích chơi với bọn nhỏ hơn, có khi để nó học lại năm mẫu giáo nữa cho vững”. Giọng điệu Tâm khá thoải mái, không hề có tiếng thở dài. Bé Elisa - chị gái của Evy từng học lại lớp một, năm nay được cô khen thành tích học trội nhất lớp. Tâm rút kinh nghiệm “Người Việt mình thường ham thành tích. Sợ con đúp nên nhà em thuê hai giáo viên riêng đến bồi dưỡng thêm cho Elisa, trả 30 EUR/giờ mà con vẫn đuối nhất lớp. Nhân dịp chuyển nhà, chuyển trường mới, con bé cũng đồng ý học lại lớp một. Bây giờ kiến thức rất vững, không khổ sở học đuổi theo lớp đến nỗi chả có thời gian vui chơi như hai năm trước”.
Thấy con sắp 5 tuổi vẫn chưa học thuộc bảng chữ cái, chỉ phân biệt được màu sắc và đếm từ một đến một trăm, tôi đâm lo. Hỏi han bạn bè gốc Việt ở Bỉ, ai cũng cười xòa: “Ối giời, con nhà này sắp vào lớp một mới đếm được từ một đến hai mươi, chưa được làm quen với cái chữ cái A, B, C nữa kìa. Hết lớp một rồi cũng đọc được viết được, lo gì”.
Vậy mà hệ thống giáo dục ở Bỉ vẫn đang bị chỉ trích, đặc biệt về cơ chế thi cử, quá nhiều kiểm tra, sát hạch. Gần đây, chính quyền vùng Flander (vùng nói tiếng Hà Lan tại Bỉ) muốn học sinh tham gia kỳ sát hạch chung ở năm cuối bậc tiểu học để tránh thiếu hụt kiến thức khi vào hệ trung học cơ sở. Trước đây, mỗi hệ thống trường học áp dụng cách thi riêng, tùy chọn. Nay yêu cầu thi chung khiến không chỉ phụ huynh mà nhà trường cũng lo cách này dẫn tới phân loại trường tốt - trường kém, buộc các trường làm việc chỉ để đối phó kỳ sát hạch và đuổi theo thành tích.
Tôi tin rằng câu chuyện này hiếm xảy ra với trẻ em sống ở thành phố lớn, trong các gia đình trung lưu trở lên tại Việt Nam hiện nay: Cháu gái của chồng tôi, bé Cato vừa tròn 12 tuổi, chuẩn bị kết thúc năm cuối bậc tiểu học đã cùng bố mẹ quyết định không học tiếp bậc trung học cơ sở mà vào luôn trường học nghề để trở thành đầu bếp nhà hàng.
Trong ngày hội trường cuối năm học này, tôi ngồi cùng một cặp vợ chồng, chồng Bỉ - vợ Thái Lan. Cặp con trai sinh đôi của họ đang theo học năm cuối hệ mẫu giáo và từng đứa lên sân khấu biểu diễn theo hai lớp khác nhau: K 3A và K 3B. “Sao chúng không chung lớp?” tôi hỏi, người mẹ Thái vừa quay video-clip vừa giải thích “Vợ chồng tôi tách chúng ra để có bạn riêng, thế giới riêng. Chúng nó cũng thích thế.” Chỉ tay về phía cậu bé cao hơn bạn cùng lớp một cái đầu đang nhảy break-dance trên sân khấu, người mẹ Thái nói tiếp: “Cậu bé kia mới từ Tây Ban Nha chuyển về Bỉ và học lại lớp mẫu giáo K 3A chứ thực ra nó 7 tuổi rồi. Đứa em song sinh của nó cũng được tách ra học lớp K 3B”.
Nghe vậy tôi mới nhớ có đến năm bảy cặp song sinh cùng trường bọn trẻ nhà tôi đều được bố mẹ tách ra cho học khác lớp. Trong cuốn sổ lưu niệm cuối năm học con trai sắp 5 tuổi của tôi mang về nhà, nhiều đứa trẻ bày tỏ mong muốn trở thành bác sĩ, kỹ sư, cảnh sát, vũ công, ca sĩ... Riêng cặp song sinh Arto và Lucas khiến tôi ngạc nhiên ở phần nghề nghiệp - con người các bé mơ ước trở thành. Dẫu biết bố mẹ điền giúp và có thể tác động định hướng, tôi vẫn thích thú đọc sở thích của cặp song sinh này. Bé Lucas muốn làm nông dân, còn bé Arto đĩnh đạc: “Tôi đã là ai đó rồi còn gì”. Đó cũng là cách cha mẹ để con tự lớn khôn.
KIỀU BÍCH HƯƠNG