Cơn lốc Clearstream ở Pháp

Cơn lốc Clearstream ở Pháp

Sau các vụ bạo động ở vùng ngoại ô hồi tháng 11-2005, làn sóng biểu tình phản đối dự luật lao động mới (CPE) hồi tháng 3, 4 vừa qua, Thủ tướng Pháp Dominique de Villepin cùng Tổng thống J.Chirac những ngày gần đây lại gặp rắc rối lớn vì vụ Clearstream.

Vụ này liên quan đến những lời tố giác về các khoản tiền bí ẩn mà Công ty Clearstream (trụ sở ở Luxembourg) cống nạp cho các chính khách. Vụ Clearstream được ví như cơn lốc xoáy ở đỉnh cao nhất trong chính phủ. Hai đối thủ lần này cũng vẫn là Thủ tướng Villepin - Bộ trưởng Nội vụ Sarkozy, cũng là hai đối thủ chính trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2007.

  • Những mốc chính của vụ Clearstream

6-2001: Thẩm phán Ruymbeke và Talancé tiếp nhận thông tin cho thấy có thể nhiều nhân vật của Pháp đã nhận nhiều khoản “lại quả” hậu hĩnh trong vụ bán các tàu hộ tống chống tàu ngầm của Pháp cho Đài Loan năm 1991.

Cơn lốc Clearstream ở Pháp ảnh 1
Thủ tướng Villepin.

2001-2002: Nhà báo Pháp Denis Robert xuất bản 2 cuốn sách (Tiết lộ và Hộp đen) về Công ty Clearstream, tố cáo đây là một trung tâm mạo danh để giao dịch tài chính. Một cuộc điều tra ở Luxembourg được tiến hành.

Tháng 5 đến 14-6-2004: Hai thẩm phán nói trên nhận được 2 bức thư nặc danh và 1 đĩa CD trong đó có danh sách các tài khoản ngân hàng của Clearstream với hàng triệu đô la Mỹ được chuyển tới rất mờ ám. Kèm theo đó là tên của nhiều nhân vật liên quan đến vụ này, trong đó có cả tên Nicolas Sarkozy (thời bấy giờ là Bộ trưởng Kinh tế, nay là Bộ trưởng Nội vụ).

Tháng 7-2004: Viện Công tố Paris mở cuộc điều tra sơ bộ về vụ việc.

Thẩm phán Ruymbeke cũng đã cho tiến hành các cuộc điều tra để xác minh lại và nhận thấy đây là các tài liệu giả mạo. Vụ việc kết thúc. Sau đó, nhiều nhân vật có tên trong danh sách lần lượt lên tiếng kêu oan. Vấn đề trở nên quan trọng hơn khi ông Sarkozy tố cáo ông Villepin che giấu luật pháp khi không công bố kết luận điều tra mà theo đó ông Sarkozy vô tội…

Tháng 4-2006: Diễn ra hàng loạt các vụ lục soát ở Bộ Quốc phòng, kể cả văn phòng của Bộ trưởng Quốc phòng M.A.Marie. Bà bộ trưởng Marie khẳng định không liên quan tới vụ Clearstream.

27-4-2006: Ông Villepin nói đã ra lệnh cho tướng Rondot (thuộc cơ quan tình báo của Bộ Quốc phòng) mở cuộc điều tra từ hồi năm 2004.

28-4-2006: Theo báo Le Monde, tướng Rondot khẳng định hồi tháng 1-2004, ông Villepin đã yêu cầu (có sự chỉ dẫn của Tổng thống Chirac) mở điều tra nhằm chủ yếu vào ông Sarkozy. Cả ông Villepin và Tổng thống Chirac đều phủ nhận tin này.

29-4-2006: Ông Villepin tuyên bố đã yêu cầu tướng Rondot xác minh hành động của một vài hệ thống hoặc người trung gian trong vụ bán tàu hộ tống chống tàu ngầm. Ông nhấn mạnh chưa hề nhắc đến một chính khách nào.

2-5-2006: Rondot nói với báo Le Figaro rằng ông Villepin quả thật không đề nghị điều tra về các chính khách. Ông ta (Rondot) nói thế trước đó chỉ vì muốn được yên thân. Tuy nhiên, ông ta nói rằng cái tên Sarkozy có được nêu ra trong cuộc họp hồi tháng 1-2004.

  • Bào chữa

Vụ việc có vẻ đang biến thành một cuộc khủng hoảng chính trị lớn tại Pháp. Đây cũng là một khó khăn mới cho Tổng thống Chirac khi chỉ còn 1 năm nữa là kết thúc nhiệm kỳ. Trước toàn thể Quốc hội hôm 2-5, Thủ tướng Villepin vẫn khẳng định mình là nạn nhân của một chiến dịch vu khống.

“Tôi đã phục vụ đất nước từ 30 năm nay. Nhưng từ nhiều ngày nay tôi là nạn nhân của một chiến dịch dối trá và vu khống, một chiến dịch khiến tôi bị tổn thương sâu sắc”. Người ta cho rằng ông Villepin đã khôn khéo đặt mình vào vị trí của một nạn nhân. Ông tuyên bố sẽ chấp nhận những lời chỉ trích, bất đồng, sự khác biệt nhưng không chấp nhận sự dối trá.

Cơn lốc Clearstream ở Pháp ảnh 2
Bộ trưởng Nội vụ Sarkozy.

Tuy nhiên, cho dù tướng Rondot, nhân vật cao cấp trong ngành tình báo, đã xác nhận ông de Villepin vô can nhưng sức ép chính trị buộc ông từ chức vẫn dâng cao. Mặc dù ông Villepin khẳng định không bao giờ từ chức cũng như chưa bao giờ mở cuộc điều tra về Bộ trưởng Nội vụ Sarkozy, phe của ông Sarkozy yêu cầu Quốc hội lập ủy ban điều tra về việc ông Villepin làm sai chức năng của các cơ quan nhà nước, thậm chí sử dụng cả những dịch vụ tình báo.

Thời gian tới, có thể các thẩm phán sẽ đến kiểm tra văn phòng của chính ông Villepin và thẩm vấn chính ông. Ông Sarkozy quả quyết rằng mình đang là mục tiêu của một cuộc lật đổ nhằm tước đi của ông những cơ may trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2007.

  • Thất vọng…

Dư luận Pháp cho rằng việc tờ báo uy tín như Le Monde đã đăng bài thì không thể là chuyện tưởng tượng. Vấn đề lúc này là người dân tỏ ra thất vọng về các chính trị gia, kể cả phe tả lẫn hữu. Cả hai nhân vật nổi tiếng nhất của cánh hữu, ông Villepin và đối thủ Sarkozy đều gặp những vụ rắc rối đầy tai tiếng.

Trong khi đó, nội tình nước Pháp với những vấn đề kinh tế và xã hội vẫn còn bất ổn kể từ các cuộc bạo loạn và đốt phá hồi mấy tháng cuối năm ngoái. Bản thân thủ lĩnh các đảng khác ở Pháp cũng chê trách ông Villepin không tiếc lời.

Nào là đã đến lúc chấm dứt một thời kỳ “trị vì không đạo đức”, hay bóng gió rằng ở các quốc gia dân chủ khác, toàn bộ chính phủ sẽ ra đi. Và khi một việc tương tự xảy ra có liên quan ít nhiều đến tổng thống, một cuộc bầu cử trước thời hạn là điều hiển nhiên. 

VIỆT KHUÊ tổng hợp

Tin cùng chuyên mục