Cử tri đề xuất sớm có tiêm vaccine cho trẻ em

Cuối chiều ngày 21-9, UBTVQH nghe ông Dương Thanh Bình, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH báo cáo về công tác dân nguyện tháng 8 của Quốc hội.
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình

Báo cáo nhận định, cử tri tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng, Quốc hội và sự điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, sự chung sức, đồng lòng của tầng lớp nhân dân trong công tác phòng chống dịch Covid-19 và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Có giải pháp hỗ trợ cả vật chất và tinh thần cho nhân viên y tế bị lây nhiễm Covid-19

Bên cạnh đó, cử tri đề nghị Chính phủ, bộ ngành quan tâm chỉ đạo giải quyết một số vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, như: đề nghị giao Bộ Y tế, Sở Y tế làm đầu mối thực hiện đấu thầu tập trung trong việc mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện y tế phục vụ phòng chống dịch thay vì giao cho các bệnh viện thực hiện như hiện nay.

Báo cáo cũng đề xuất có giải pháp hỗ trợ, khuyến khích, động viên về cả vật chất và tinh thần cho các y bác sỹ, nhân viên y tế bị lây nhiễm Covid-19 trong khi thực hiện nhiệm vụ; sớm có giải pháp kịp thời tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính trong thanh toán bảo hiểm y tế do giãn cách xã hội; sớm ban hành hướng dẫn quy định về vận tải hàng hóa trong thời gian giãn cách…

Cử tri cũng đề nghị có hướng dẫn cụ thể hơn đối với các địa phương về công tác dạy và học năm học 2021–2022 và các năm học tiếp theo để thích ứng với tình hình dịch bệnh hiện nay; sớm có kế hoạch thực hiện tiêm vaccine cho trẻ em vì hiện nay số lượng trẻ em dưới 18 tuổi bị nhiễm Covid-19 ngày càng tăng và để các cháu có thể đến trường vào học kỳ 2 năm học 2021-2022.

Ngoài ra, cử tri cũng kiến nghị xử lý nghiêm minh các trường hợp lợi dụng dịch Covid-19 để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của công dân thông qua việc bán hàng giả là thuốc chữa bệnh và các vật tư, y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch; xử lý nghiêm các đối tượng sản xuất và chia sẻ video trên mạng xã hội có nội dung không đúng sự thật về công tác phòng, chống dịch, gây tâm lý hoang mang cho cộng đồng; kích động, lôi kéo người dân không ủng hộ và phản đối thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Ông Dương Thanh Bình cũng cho biết, căn cứ vào Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV của các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ban Dân nguyện đã tổng hợp, phân loại và chuyển 807 kiến nghị của cử tri đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, đã có 807/807 kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV được giải quyết, trả lời, đạt 100%.

Qua rà soát, tổng hợp và sơ bộ đánh giá kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của các cơ quan có thẩm quyền, Ban Dân nguyện nhận thấy các cơ quan đều chú trọng giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri. Một số vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân, nhất là hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 đã được các Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành nghiên cứu ban hành quy định theo hướng đơn giản hoá và rút ngắn tối đa thời gian giải quyết hồ sơ để người lao động, người sử dụng lao động sớm tiếp nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước…

Đáng lưu ý, qua công tác tổng hợp về tình hình khiếu nại của 61/63 Đoàn đại biểu Quốc hội và của Thanh tra Chính phủ về tình hình khiếu nại, tố cáo, Ban Dân nguyên cho biết, tại một số địa phương vẫn còn một số nhóm công dân thuộc các vụ việc khiếu nại kéo dài, đông người tiếp tục yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm (liên quan đến thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế xã hội ở một số địa phương có tốc độ phát triển kinh tế xã hội cao, có nhiều dự án liên quan đến thu hồi đất).

Về việc tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn thư, trong kỳ báo cáo, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện nhận được 2.530 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân - Trưởng Ban Dân nguyện nêu rõ. Trong đó, có 807 đơn thư đủ điều kiện xử lý. Các cơ quan của Quốc hội đã chuyển 61 đơn của công dân đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, có văn bản hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đối với 2 vụ việc và đã nhận được 35 văn bản trả lời của các cơ quan có thẩm quyền về tiến độ giải quyết, kết quả giải quyết đối với các vụ việc đã chuyển đơn trước đó…

Tăng cường giám sát các vụ việc nổi cộm, bức xúc

Cũng với đó, trong tháng 8, các Đoàn đại biểu Quốc hội đã tiếp nhận tổng số 651 đơn thư, trong đó có 115 khiếu nại, 37 tố cáo, còn lại là 499 kiến nghị, phản ánh; số đơn thư trùng lặp, gửi nhiều cơ quan, đơn nặc danh, không ký tên, đơn không rõ nội dung được xếp lưu theo dõi là 313 đơn.

Trong số 359 đơn đủ điều kiện xử lý, các Đoàn đại biểu Quốc hội đã chuyển 263 đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, có 47 văn bản hướng dẫn, trả lời đơn công dân; đã nhận được 49 văn bản trả lời của cơ quan có thẩm quyền về việc giải quyết. Bên cạnh việc chuyển đơn thư đến cơ quan có thẩm quyền, các Đoàn đại biểu Quốc hội cũng đã quan tâm chủ động nghiên cứu đối với một số vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp, nổi cộm ở địa phương để tham gia, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết dứt điểm vụ việc.

Thực hiện nhiệm vụ giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội, Ban Dân nguyện đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đề xuất giải pháp xử lý về 2 vụ việc nổi cộm, phức tạp, kéo dài, có vướng mắc về chính sách, pháp luật.

Nêu một số hạn chế, vướng mắc cần tháo gỡ thời gian tới, ông Dương Thanh Bình cho biết, hiện nay công tác xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội còn phân tán, không tập trung vào một đầu mối, nên chưa khắc phục được tình trạng đơn thư chuyển trùng lặp, lòng vòng giữa các cơ quan của Quốc hội. Trong khi đó, đội ngũ công chức giúp việc chủ yếu là kiêm nhiệm, không chuyên trách về công tác xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo.

“Hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội đối với vụ việc cụ thể, nhất là các vụ việc nổi cộm, bức xúc, khiếu nại kéo dài vượt cấp chưa nhiều, chưa được thường xuyên và chưa thật hiệu quả”, Trưởng Ban Dân nguyện thẳng thắn nhận định.

Tin cùng chuyên mục